Trang Chính | Tĩnh Niệm | Thánh Ca | Tình Ca | Sách Hay | Nối Kết | Liên Lạc
PHẦN THỨ BA
Chìa khóa của hạnh phúc là tự do, chìa khóa của tự do là lòng can đảm.
Chương Cuối Cùng
Thời gian trôi qua thật lẹ. Thế mà đã 3 năm kể từ ngày Thiên Ân giải thể toàn bộ đế quốc thương mại khắp năm châu, trở về với cuộc sống thầm lặng cô đơn trong tòa lâu đài vĩ đại ở đảo Maui. Cùng với người bạn già Alan Chapman, Thiên Ân nhìn ngày tháng tiếp nối ra đi, đợi chờ.
Thiên Ân đợi chờ một dấu hiệu siêu hình, một con người sẽ được chọn lựa để tiếp nhận những tờ kinh, để tiếp tục một sự nghiệp doanh thương, mong là sẽ lớn mạnh gấp trăm lần cái đế quốc mà Thiên Ân vừa giải tán.
Nhưng càng ngày Thiên Ân càng thấy cái vô vọng của sự đợi chờ. Vì tuổi tác đã cao, ông không còn vận động cơ thể được nhiều. Đọc sách, coi phim, nghe nhạc, ngồi tĩnh tâm… suốt 3 năm, thân thể ông bắt đầu bạc nhược. Những người tìm đến ông phần lớn là những bạn hữu, bà con… tuổi cũng xấp xỉ như ông. Vả lại, họ đến để mong chút giúp đỡ về tiền bạc, vài câu giới thiệu cho công ăn việc làm. Ông nghĩ là khó mà tìm ra được một người đúng như tiền định để trao tặng bộ kinh.
Cho nên, sáng nay ông đã quyết định. Ông nói với Chapman, “Bạn già thân yêu, tôi cảm thấy như mình đang phí phạm cái tài sản cuối cùng còn lại. Thời gian, dù mình không tiêu xài, nó cũng ra đi vùn vụt. Có lẽ mình phải đến với người mà mình mong đợi, thay vì chỉ biết chờ đợi. Tôi muốn bạn thu xếp, tuần tới, tôi và bạn sẽ làm một chuyến chu du khắp thế giới, chừng 6 tháng. Bắt đầu bằng Nhật Bản rồi Trung Quốc, Triều Tiên. Trở lại Việt Nam cho tôi thăm lại quê nhà, chừng một tháng. Sau đó là Thái Lan, Mã Lai, Ấn Độ, Ai Cập, Hy Lạp… qua Âu Châu, Mỹ Châu La Tinh rồi về lại đây. Bạn già nghĩ sao?”
“Thưa Ngài, tôi không dám nói ra, nhưng vẫn lo ngại cho cái buồn chán của Ngài sau bao năm vung tay bốn biển. Tôi rất vui mà thấy Ngài lại lên đường, thấy tinh thần và thể xác Ngài lại đứng dậy…”
Thiên Ân cười, “Vậy thì hãy bắt đầu một hành trình mới. Tôi cảm ơn cái thực tình lo lắng của bạn già. Ngày nào còn sống, ngày đó tôi còn trông cậy vào sự chăm sóc của bạn.”
Tuần lễ sau đó, đôi bạn bắt đầu từ phi trường Honolulu. Chặng đầu tiên là Nhật Bản. Dù đã đến đây nhiều lần, Thiên Ân vẫn bỡ ngỡ khâm phục trước những bước tiến ngàn dặm của người Nhật, từ những công trình xây cất vĩ đại đến những hệ thống điện tử tối tân. Dù mới giàu hay đã giàu lâu, con cháu Phù Tang không bao giờ ngưng nghỉ. Không ồn ào như người Châu Mỹ, họ tiến bộ và tiến bộ trong âm thầm. Còn cái tinh thần võ sĩ đạo nữa, lúc nào cũng tiềm tàng trong cách thức làm ăn của họ.
Qua đến Hán Thành, Thiên Ân chỉ cho Chapman cái bí quyết thành công của người Triều Tiên. “Họ làm việc không mệt mỏi. Có lẽ nhờ nhân sâm? Đây là những người độc nhất trên thế giới chê dân Nhật lười biếng. Đối với họ, 12 giờ làm việc mỗi ngày là giờ làm việc kiểu công chức.”
Rời Triều Tiên, đôi bạn bay qua Trung Quốc. Thủ đô Bắc Kinh đã đổi khác nhiều sau 7 năm, lần cuối Thiên Ân ghé thăm. Ngoài dân Việt, Thiên Ân vẫn luôn luôn thấy gần gũi với người Hoa. Văn hóa và phong tục của hai xứ không xa cách bao nhiêu. Cái suy nghĩ của người Hoa cũng là điều dễ thông cảm. Sau bao năm chiến tranh và nghèo khổ, dân Trung Hoa ngày nay mới được hưởng chút thịnh vượng do thái bình đem lại. Dù họ vẫn còn rất nhiều khó khăn và trở ngại, dường như họ đang bắt đầu những chương sử mới cho quốc gia. Bao nhiêu là bạn bè, đồng nghiệp phải đi thăm từ Thượng Hải xuống Quảng Châu, Vân Nam. Thiên Ân xúc cảm trước những đón tiếp đầy yêu thương và nồng nhiệt.
Thế nhưng, cái rương có những tờ kinh mà Thiên Ân và Chapman khệ nệ mang theo để trao tặng vẫn nằm chình ình trong những căn phòng ngủ. Hơn một tháng lộ trình, dù luôn luôn để ý tìm kiếm, Thiên Ân vẫn không sao tìm được cái con người mà Định Mệnh sẽ chọn lựa để tiếp nối sự nghiệp.
Từ Quảng Châu, đôi bạn đáp xuống sân bay Nội Bài ở Hà Nội. Hơn 40 năm, Thiên Ân mới có dịp trở lại quê hương. Từ ngày Lương Thành gởi ông qua Pháp, “Vì con cá lớn phải vùng vẫy ở biển khơi, không thể ở trong ao lạch,” ông chỉ trở lại Việt Nam có hai lần ngắn ngủi. Ngày về dự đám tang ông Lương Thành; và ngày về cưới con gái ông Thái Hưng. Sau đó, ông miệt mài khắp năm châu, nhưng không có cơ hội để làm ăn ở Việt Nam. Thực ra có lẽ ông không muốn. Đem sở trường sở đoản của mình để ganh đua với người ngoại quốc vẫn hào hứng hơn, ông tự nhủ.
Đêm đầu tiên trở lại quê hương, lòng ông bồi hồi. Ông không ngủ được. Ông tắt máy lạnh, mở cánh cửa sổ, để không khí ẩm thấp của đêm hè xâm nhập. Những tiếng động ồn ào rất Việt Nam cũng đánh thức từ tâm trí những kỷ niệm và tình cảm xa cũ. Ông ngồi bất động, thả hồn bay cao theo trăm ngàn ý nghĩ và cảm xúc. Quê hương vẫn là một gắn bó ngọt ngào.
Ông thiếp đi một chút trong chiếc ghế bành, khi chợt tỉnh thì trời đã mờ sáng. Có lẽ tại những chiếc xe gắn máy bắt đầu ồn ào. Ông thấy bụng đói cồn cào. Ông chợt nhớ là tối qua, ông không ăn vì muốn giữ thân thể quân bình trở lại sau bao ngày yến tiệc bên Trung Hoa.
Ông thay đồ xuống nhà. Tự nhiên ông thèm một tô phở thật nóng. Ông không muốn ăn thêm một dĩa bánh mì trứng ở khách sạn. Rời Metropole, ông thong thả đi dạo xuống hướng Hồ Hoàn Kiếm để tìm một tiệm phở. Không khí buổi sáng chưa bị bụi khói của trăm ngàn chiếc xe gắn máy làm ô nhiễm. Ông hít thở trong sự thanh bình toàn diện.
Mãi mê suy nghĩ, ông đi lạc vào một con đường nhỏ, không nhớ tên. Cũ và nghèo. Chập hẹp và dơ dáy. Những căn nhà hai bên vẫn còn kín cửa, miệt mài trong giấc ngủ. Càng đi sâu, ông càng mất hướng. Cuối ngõ, ông thấy một ngọn đèn hắt ra và cánh cửa mở hé. Ông gõ nhẹ, hy vọng hỏi đường trở lại khách sạn, hay trở ra một con đường lớn.
Một người trung niên, đen đúa, gầy ốm mở rộng cửa, “Thưa Cụ, Cụ hỏi ai?” Giọng có vẻ ngạc nhiên vì còn quá sớm.
Thiên Ân nhìn qua căn phòng nhỏ hẹp, bầy biện bừa bãi, giữa phòng là cái máy in nhỏ đang chạy. Giấy mực tung tóe khắp nơi. “Xin lỗi, tôi bị lạc. Tôi muốn tìm đường trở lại khách sạn Metropole. Thấy cửa mở hé, tôi gõ.”
Gã đàn ông nhìn kỹ Thiên Ân. Nét mặt quắc thước, bộ quần áo đúng thời trang, rất đắt tiền. Lại ở khách sạn Metropole.
Qua bao nhiêu dời đổi, nơi đây vẫn là chỗ lui tới của những tên ngoại quốc nhiều tiền và nhiều quyền. Từ thời Pháp thuộc, thời chiến tranh cho đến ngày nay. Gã đổi giọng, đầy kính nể và săn sóc.
“Thưa Cụ, để con mặc cái áo vào rồi dẫn Cụ về khách sạn.”
“Không dám làm phiền anh. Anh chỉ tôi ra con đường cái, tôi lấy taxi hay xíchlô gì cũng được. Vả lại, anh đang ăn sáng hay làm việc phải không? Tôi đi tìm tiệm phở rồi đi lạc.”
“Thưa Cụ, còn sớm. Mấy đứa con của con nó lo dùm cũng được.” Gã đàn ông giọng khẩn khoản mời mọc, “Nếu Cụ cần, con sẽ đưa Cụ ra tiệm phở gần đây. Nổi danh Hà Nội…” Rồi thăm hỏi, “Xin lỗi, Cụ từ đâu tới?”
“Tôi ở Mỹ về thăm quê hương. Ở đây chừng một tuần rồi đi tiếp.” Câu chuyện kéo dài. Thiên Ân nói qua về đời sống công việc của ông. Rồi hai người vừa đi bộ ra tiệm phở vừa nói chuyện.
Tên gã đàn ông là Văn Khắp. Hắn giải thích là phiên âm ra tiếng Việt từ một tên Lào, Soubanvankhet. Hắn từ Paksé, cha mẹ gởi qua đây học từ nhỏ, lúc mới 4 tuổi.
“Paksé”, Thiên Ân gật gù. Lại một trang sách của quá khứ, chuyến buôn hàng đầu tiên. “Anh ở ngay tại tỉnh lỵ?”
“Không, thưa Cụ, con ở một làng nhỏ gần đó, Bản Chu Prong.”
Thiên Ân buông đũa, nhìn không chớp vào mặt Văn Khắp. Ông im lặng đợi chờ.
“Con đến Hà Nội đã hơn 42 năm, thưa Cụ. Con học hành, đi lính, rồi làm ăn… dù cha mẹ con là người Lào, nhưng con nghĩ mình đã trở thành người Việt. Con xem nơi này như quê hương. Vợ con người Thái Bình. Con có hai đứa con trai.”
Thiên Ân dò hỏi, “Tại sao mới có 4 tuổi mà bố mẹ anh đã gởi sang đây?”
“Con còn nhỏ nên không biết. Nhưng sau có về thăm nhà, nghe bố con kể là gia đình con có mang ơn một ông lái buôn người Việt. Ông ta cho thuốc cứu cả làng khỏi bệnh sốt rét cấp số. Ông ra đi khỏi làng sau đó nên không ai biết tên tuổi tông tích. Nhưng theo phong tục người Lào, một món nợ là một món nợ. Bố con là người trưởng tộc nên phải dâng đứa con là con cho người Việt để trả món nợ này.”
Thiên Ân chợt bật cười trước những trớ trêu của giòng sông gọi là định mệnh. Ông hóm hỉnh hỏi đùa, “Thế anh đã trả hết nợ chưa?”
Văn Khắp không để ý đến lời bông đùa đó, hắn vẫn nghiêm túc, “Thưa chưa. Dù suốt 40 năm qua, con đã cố gắng học hành, cố gắng làm đủ mọi thứ để đóng góp cho xứ sở quê hương này, con vẫn thấy chưa đâu ra đâu. Không những là món nợ, mà lớn lên ở đây với bao nhiêu bạn bè, con thực tình yêu mến dân mình, nước mình. Cho nên lòng con vẫn nhiều thắc mắc.”
“Tại sao thắc mắc? Quê hương mình vẫn còn nghèo đói quá phải không? Anh yên chí. Đó là tại chiến tranh và hận thù. Đất nước hòa bình rồi, lần hồi tình trạng kinh tế cá nhân sẽ thay đổi.” Thiên Ân cảm thấy một gắn bó thân tình với gã người Lào-Việt này.
“Không con thắc mắc là tại sao dân mình rất thông minh, rất chịu khó, rất muốn tự lập, tự lực… mà bao năm qua, bao ngàn năm qua, vẫn phải chịu sự thống trị về kinh tế của người Trung Hoa, người Pháp, người Nga, người Mỹ. Tại sao dân mình nói chung có học thức hiểu biết hơn những dân tộc khác, mà mình vẫn bị người ngoại quốc đè đầu áp cổ. Con không ganh tị, nhưng con thực sự xấu hổ khi thấy những du khách đến đây tung tiền, khoe khoang, hống hách, trong khi dân mình chỉ biết cúi đầu. Suy nghĩ và tìm tòi, con chỉ có một hoài bão lớn nhất.”
Thiên Ân hoàn toàn bị thu hút bởi Văn Khắp. Ông lắng nghe từng chữ. Văn Khắp vẫn say sưa nói, “Cái hoài bão lớn nhất của con là in được một cuốn chỉ nam, chỉ dẫn cách thức làm kinh tế để mỗi người dân mình biết cách làm giàu. Con tin rằng chỉ có dân giàu, thì nước mới mạnh, như người xưa vẫn nói. Nếu có những cuốn sách dạy người luyện tinh thần như kinh Phật, kinh Chúa; nếu có những cuốn sách dạy người cách sử dụng máy vi tính hay lái một chiếc máy bay; thì chắc phải có một cuốn sách dạy người ta cách thức để trở nên một người giàu có. Không dấu gì Cụ, khi nhìn bộ dáng Cụ, và biết Cụ ở khách sạn Metropole, giá hai, ba trăm Mỹ kim một đêm, con biết là Cụ rất giàu. Con mời mọc là vì có ý nhờ Cụ một điều…”
Sợ Thiên Ân hiểu lầm, Văn Khắp vội vã tiếp tục, “Không, con không dám xin Cụ tiền bạc gì đâu. Con chỉ muốn Cụ chỉ dẫn cho con về cách thức làm tiền như con đã thưa chuyện. Con cũng không muốn gì cho con, con chỉ muốn được truyền bá lại cho dân mình, làm cái công việc rất tầm thường là in sách cho mọi người đọc và hành xử.”
Chưa bao giờ Thiên Ân lại cảm xúc như vậy. Nỗi mừng vui trong lòng nghẹn lời nói. Ông nắm chặt tay Văn Khắp, vỗ nhẹ lên vai hắn, giọng đầy thương yêu.
“Anh theo tôi về khách sạn. Tôi có món quà này cho anh. Món quà mà tôi đã giữ hơn 40 năm nay. Anh là người tôi đã tìm kiếm bao lâu…”
Bước ra khỏi tiệm phở, Thiên Ân hít thở mạnh như muốn thu tóm cả cái khí trời lồng lộng. Ánh nắng bắt đầu lên. Ông nhìn lên đám mây trắng, miệng lẩm bẩm nhẹ những lời cảm tạ. Cảm tạ cho cái sự sống nhiệm mầu này, cái thiên nhiên huyền diệu bao quanh, cái tình người vẫn lồng lộng đẹp. Cảm tạ những kỷ niệm, những tình yêu, những giấc mộng. Cảm tạ cả những khó khăn trở ngại, những đau đớn tủi nhục, những thất bại nghèo hèn. Cảm tạ cái con người đúng nghĩa mà ông đã cố gắng trở thành. Cảm tạ cái giàu sang vật chất cũng như tinh thần. Cảm tạ cái thiên đường trên trái đất này. Cảm tạ những người đã khuất. Cảm tạ những người sẽ nối tiếp…
Mặt trời vẫn rực rỡ trên tàng cây xanh.
Bí Mật Của Phan Thiên Ân
Người Giàu Nhất Thế Giới