Trang Chính | Tĩnh Niệm | Thánh Ca | Tình Ca | Sách Hay | Nối Kết | Liên Lạc
Đức ông John J. Egan
Đức ông Jack Egan sinh tại Thành Phố Nữu-Ước và lớn lên tại Chicago. Ngài thụ phong linh mục năm 1943 cho Tổng Giáo Phận Chicago.
Không một linh mục nào, chính trị gia nào, hay những công chức sống tại miền Trung Tây trong thập niên 50 và 60 lại có thể tránh được việc gặp gỡ con người năng động này, một người đã nổi lên từ vùng miền Nam của Chicago để đấu tranh cho những dân thiểu số và phát động những chương trình dành riêng giúp giáo dân –đặc biệt những cặp vợ chồng– ý thức được lệnh truyền làm tông đồ qua việc chịu bí tích thánh tẩy. Đức ông Egan đã nổi tiếng đến độ khi có người đề cập đến cái tên “Jack” trong một cuộc thảo luận của các chương trình xứ đạo hay hoạt động xã hội, ai cũng hiểu người đó đang có ý nói tới Đức ông Jack Egan.
Đức ông Egan có tài khơi được ngọn lửa từ những người không ủng hộ các chương trình của ngài, và tạo được sự kính trọng nơi những ai thấy được tầm nhìn rộng và tính bác ái trong công việc ngài làm. Nhà kinh viện Richard A. McCormick, dòng Tên, giảng sư đại học Notre Dame về Đức Tính Người Ki-tô Hữu, đã viết về Đức ông Egan như sau: “Chúng ta tìm kiếm tài lãnh đạo trong giáo hội Công Giáo tại Hoa-Kỳ. Chúng ta không thể đòi hỏi giáo hoàng nào cũng là một Gio-an XXIII, hay giám mục nào cũng phải là một Helder Camara. Chúng ta không thể trông đợi thần học gia nào cũng là một Karl Rahner, linh mục nào cũng là Đức ông Jack Egan, hay mỗi một nhà hoạt động Kitô-hữu là một Dorothy Day...” (trích “Authority and Leadership: The Moral Challenge,” tạp chí America, số ra ngày 20 tháng 7 năm 1996, trang 17). Khi bạn cảm nhận được sự thích thú trong công việc của Đức ông Egan, hãy tự hỏi Giáo Hội ngày nay sẽ đi về đâu nếu ngài đã không có mặt tại hiện trường và đã không gánh vác những trách vụ mà ngài kể lại sau đây.
Đức tin sâu xa của gia đình tôi, đặc biệt là của thân phụ tôi, đã khiến tôi nghĩ tới chức linh mục. Cha tôi rất đạo đức. Sáng nào tôi cũng thấy người quỳ bên một chiếc ghế trong bếp trước khi đi làm. Sau này tôi biết được người đã dự thánh lễ hằng ngày tại ngôi nhà thờ cũ xứ Thánh Hyacinth. Điều đó gây ấn tượng nơi tôi. Tôi đã chớm có ước mơ được đi tu làm linh mục khi học lớp Tám. Một vài bạn học cùng lớp và tôi đều muốn tham gia một tu hội truyền giáo. Và rất ngạc nhiên, cha tôi lại cản không cho tôi ghi danh. Người bảo: “Con còn quá trẻ không biết được cả tâm tư của mình. Con sắp được học bổng tại DePaul. Cứ nhận đi!” Thế là tôi theo học trường Trung Học DePaul và sau đó lên Đại Học DePaul luôn.
Năm 1935, tôi làm việc cho một văn phòng lo trả tiền lương của Câu Lạc Bộ Xe Máy Dầu Chicago. Tôi bắt đầu tự hỏi có cách nào khá hơn không để giúp mọi người. Tôi đã đến gặp cha Ray O’Brien, vị linh hướng tại Chủng Viện Quigley, và cha O’Brien mời tôi đến học tại Quigley ngay mùa thu năm ấy.
Nhưng rồi một sự thất vọng ê chề xảy đến. Cha tôi đã từ chối không chấp thuận mơ ước đi học làm linh mục của tôi. Người nói tôi nên đi học làm luật sư thì hơn. Nhưng tôi đã quyết chí rồi, và tôi nhất định ương ngạnh với người. Suốt 6 tháng liền cha tôi đã không thèm nói chuyện với tôi nữa. Tôi vẫn nhớ sáng hôm ấy lên xe buýt đi Quigley lần đầu tiên với tâm hồn trĩu nặng. Nhưng ngày hôm ấy cũng mang lại cho tôi niềm vui lớn lao, vì tôi biết rằng mình đang bắt đầu thực hiện một tham vọng rồi đây sẽ qui tụ hết mọi thứ khác trong đời tôi. Mãi sau khi cha tôi qua đời, mẹ mới cho tôi biết cha tôi đã từng là một Sư Huynh, nhưng người đã bỏ cuộc trước khi khấn trọn đời. Việc người cản trở tôi vào chủng viện bắt nguồn từ mối lo sợ rằng điều mà người cho là thất bại của mình sẽ lại tái diễn trong trường hợp của tôi.
Tôi không phải là một học sinh giỏi, nhưng sự cản trở của cha tôi lại càng khiến tôi làm việc cần mẫn hơn. Ấy cũng là sự phấn đấu thật khủng khiếp. Một ngày kia tôi đã xin hai bạn chủng sinh học giỏi kèm giúp tôi học. Họ chấp nhận sự thách đố ấy. Nhờ họ kèm cho, tôi đã có thể thi đậu được. Rồi từ đó việc học được dễ hơn –dễ hơn một chút thôi.
Sau ngày chịu chức, tôi làm việc nhiều năm với các tổ chức trong cộng đồng. Chúng tôi cố gắng quy tụ những người trong một cộng đoàn đặc thù nào đấy lại với nhau để xem xét những vấn đề họ đang gặp phải, và để phát triển sự gắn bó giữa họ hầu có thể cùng nhau đạt được những điều mà họ không thể làm được riêng lẻ. Chúng tôi làm việc để phát động những chương trình thăng tiến cuộc đời họ, nâng cao điều kiện sống, và giúp họ cảm nhận được phẩm giá của mình. Chúng tôi giúp họ đối diện với các thế lực –về chính trị, kinh tế, và văn hóa– đang cản trở không để họ đạt được các mục tiêu cho chính họ và cho gia đình. Tôi thực sự làm người trung gian giữa Saul Alinsky, con người nổi tiếng về việc tổ chức các nhóm tự giúp nhau trong làng xóm, và Tổng Giáo Phận Chicago.
Trong khi tôi làm việc chặt chẽ với các tổ chức cộng đồng, chính tôi lại không phải là người tổ chức. Tôi làm công việc của người tạo điều kiện và khuyến khích. Tôi khuyến khích mọi người họp thành tổ chức. Công việc của tôi là giúp người ta có tầm nhìn rộng về những gì sắp đến. Rồi tôi đồng hành với họ trong khi họ kiện toàn tổ chức. Tôi đã làm loại công việc như thế đó suốt cả đời mình –trong các chương trình Cana, Tiền-Cana, và Đời Sống Gia Đình Ki-tô Hữu. Để vận động và khuyến khích những chương trình ấy, tôi đã phát triển được mối liên hệ cá nhân với các cha xứ, các linh mục và giáo dân của nhiều giáo phận, đặc biệt là các bạn trẻ mới lập gia đình và những cặp mới đính hôn. Có thể nói tôi dành suốt ngày suốt đêm để thúc giục mọi người tham gia. Một lần kia có một linh mục bảo tôi: “Jack à, cậu không thuộc loại thông minh lắm, nhưng cậu lại biết cách chọn người để biến họ thành thủ lãnh.” Đúng vậy. Tôi không đặc biệt thông minh, nhưng tôi lại biết nhận xét về người ta, và có năng khiếu khuyến khích họ tiến một chút xa hơn mức bình thường của họ.
***
Khi tôi gặp Saul Alinsky, lúc ấy tôi vẫn đang phục vụ trong phong trào Đại Hội Cana giữa thập niên 50. Tôi bắt đầu làm việc với Saul và khám phá ra rằng các chương trình của anh ta có thể áp dụng được vào những gì tôi đang làm trong phong trào Cana. Anh đã yêu cầu mỗi người chúng tôi viết lại bản báo cáo hằng ngày về những gì chúng tôi đã làm. Rồi ngày thứ Sáu, anh thu thập các báo cáo lại, duyệt xét tỉ mỉ, phân tích và phê bình, gợi cho chúng tôi nghĩ xem làm thế nào sự cố gắng của một ngày có liên quan đến những nỗ lực của ngày khác.
Saul đúng là một khuôn mặt hấp dẫn trong lịch sử. Anh ta có tài năng kỳ lạ trong việc hoạch định và tổ chức. Nhưng rồi đã đến lúc tất cả các nhóm của anh ta tan rã, trong khi những nhóm của Ed Chambers –một người khác có óc tổ chức tài ba thời ấy– lại vẫn hoạt động. Tại sao có điều khác biệt đó? Hoá ra trong mỗi nhóm của mình, Chambers khai triển những thủ tục phân phối trách nhiệm thật chính xác, và một chương trình lượng giá trọn vẹn. Hai thủ tục đó giúp cho các tổ chức của Ed được quân bình và vĩnh viễn. Một yếu tố thứ ba là thế này: Ed cắt đặt một người tổ chức trong mỗi một chương trình. Còn Saul đã không huấn luyện đủ những người tổ chức. Thành thử bao lâu anh ta còn ở với nhóm thì nhóm sinh hoạt được; đến khi anh ta bỏ họ lại mà không phân nhiệm và không người tổ chức, nhóm tất nhiên tan rã.
Tôi đã thuyết phục được vị tân tổng giám mục Chicago là Hồng Y Meyer quy tụ các linh mục lại và thành lập Tổ Chức Cộng Đồng Miền Tây Nam. Ngài đã cho phép các cha xứ dùng ngân quỹ giáo xứ cho kế hoạch này. Công việc của tôi là đi thăm hết các cha xứ, để xin họ cam kết ngân khoản, và để ngăn chặn nhiều nhóm người ganh ghét muốn những người Mỹ da đen không len vào được thôn xóm của họ. Tổ chức này gồm hầu hết dân Mỹ trắng.
Mặt khác, một tổ chức tương tự mang tên Woodlawn lại là tổ chức đầu tiên trong nước gồm phần lớn là thành viên người Mỹ gốc Phi Châu. Đức ông Vincent Cooke và tôi thuyết phục được Hồng Y Stritch, lúc ấy đang là tổng giám mục Chicago, tặng cho tổ chức này $150.000 Mỹ-kim trong 3 năm đầu tiên. Các ngân khoản khác do Hội Thánh Trưởng Nhiệm Đầu Tiên và các quỹ từ thiện trao tặng.
Một tổ chức khác mà tôi giúp thành lập là Viện Thái Bình Dương Chuyên Về Tổ Chức Cộng Đoàn tại miền Tây. Viện vẫn còn hoạt động. Rồi một tổ chức nữa mang tên Quỹ Khu Công Nghệ. Alinsky và tôi đã phát triển trong thôn xóm người Ba-Lan một nhóm mang tên Tổ Chức Cộng Đoàn Tây Bắc, với các mục đích tương tự như các nhóm khác.
Dĩ nhiên điều không thể tránh được đã xảy ra: tất cả những công việc đó dẫn đến những lần nghẽn tim năm 1962, 1980 và 1988. Có lẽ tôi đã làm việc quá độ.
***
Tôi nghĩ rằng trong quốc gia này, hiện nay những người gốc Tây-Ban-Nha và Mỹ da đen là những nhóm cần linh mục hơn cả. Nhu cầu và cơ hội ngày hôm nay xuất hiện nơi những nhóm thiểu số. Chúng ta cần phải gửi đến với họ những linh mục tuyệt hảo nhất để phục vụ họ, chăm lo đời sống tâm linh của họ, giúp họ tìm việc làm, được săn sóc sức khoẻ, có hưu trí và nhà ở. Chúng ta cần khuyến khích họ bằng cách phát triển tinh thần lãnh đạo ngay trong nhóm họ qua các tổ chức. Khá nhiều người Á Đông đang dồn về Chicago, và chúng ta còn chưa đủ bổn phận với họ. Trong những năm tôi còn trẻ, linh mục làm việc với những người di dân –thế hệ đầu tiên của Ái-Nhĩ-Lan, Ba-Lan và Đức. Hiện nay chúng ta có lớp người di dân mới, những người Á Đông, Tây-Ban-Nha và Mỹ da đen. Chúng ta cần phải tập trung các nỗ lực tốt nhất giúp họ. Họ đã chịu nhiều khổ cực, và vẫn còn khổ sở vì nạn kỳ thị.
***
Nhìn lại, kinh nghiệm đầu tiên của tôi với Hồng Y John Cody cho tôi thấy giá trị của sự vâng lời. Tôi gặp hồng y lần đầu khi ngài bổ nhiệm tôi làm cha sở giáo xứ Dâng Con vào tháng Giêng năm 1966. Cùng lúc đó, ngài cho tôi biết rằng ngài không nghĩ Văn Phòng Bộ Cư Dân mà tôi đang điều khiển đã làm được gì hay ho.
Điều lưu ý này làm tôi bị thương tổn nhiều lắm, bởi vì các cộng sự viên cùng tôi đã và đang vận động mỗi ngày với các hội đường Do-Thái và các nhà thờ Tin Lành trong thành phố để gầy dựng những tổ chức cộng đoàn, và để giúp giải quyết nhiều vấn đề xã hội ảnh hưởng đến người dân tại Chicago, nhất là người nghèo.
Hồng y hỏi tôi có thể nhận làm mục vụ trong cái thôn xóm hoàn toàn da đen ở phía cánh Tây của Chicago không. Tôi hỏi lại ngài: “Đây có phải là điều ngài muốn không?” Ngài khẳng định lập trường. Và tôi đáp lại: “Nếu thế, con xin nhận.”
Tôi không biết rõ lắm toan tính của ngài. Sau này tôi mới biết hồng y đã nói với cha John Fahey rằng có một nhóm gây rắc rối trong tổng giáo phận, và ngài hồng y muốn “cắt bớt vây cánh của họ.”
Rõ ràng tôi bị coi là đầu sổ trong những kẻ gây rắc rối. Tiếp sau tôi là Đức ông Daniel Cantwell, Đức ông William Quinn, cha Jake Kilgallon, và cha Gerard Weber –tất cả những vị này đều được bài sai đi làm cha sở những xứ đạo lớn của dân da đen. Họ là bốn trong số những linh mục tuyệt hảo của giáo phận. Thời điểm ấy là khởi đầu của Hiệp Hội Linh Mục Chicago.
Mặc dầu tôi được bầu vào ban giám đốc đầu tiên của Hiệp Hội, tôi đã không dính dáng chút nào tới việc khai sáng Hiệp Hội. Việc ấy đã được thực hiện một cách tuyệt vời bởi cha Jack Hill và cha Patrick O’Malley.
Bây giờ xin đi vào điểm nóng của câu chuyện.
Chính vì tôi vâng lời nhận bài sai đến giáo xứ Dâng Con, tôi đã có được cơ hội sống và làm việc với người da đen tại Lawndale trong 5 năm tiếp theo đó, một kinh nghiệm cần cho tôi biết chừng nào, và cũng là một kinh nghiệm sinh hoa trái thiêng liêng và tâm lý nhiều nhất.
Với các thứ trách nhiệm của một cha sở và sau đó trách nhiệm làm chủ tịch thứ tư của Hiệp Hội, sức khỏe của tôi ngày càng trở thành có vấn đề. Vào thời điểm này, một hôm tôi gặp cha Theodore Hesburgh là viện trưởng lỗi lạc của Đại Học Notre Dame tại O’Hare. Ngài chào tôi và nói: “Này Jack, trông cậu khiếp quá.” Tôi cho ngài biết tôi đang mệt phờ người vì đủ các thứ trách nhiệm. Ngài mời tôi đến Notre Dame một năm để lấy lại sinh khí. Tôi xin ngài viết một thư mời, và ngài đã viết rất chi tiết. Tôi trao cho hồng y ngay khi nhận được lá thư. Mặc dầu ngài phản đối việc tôi rời tổng giáo phận một năm, nhưng sau một giờ đồng hồ đối thoại, ngài bảo ngài sẽ không cản lối tôi đi.
Điều tiếp diễn sau đó là 13 năm làm việc hiệu quả với Ủy Ban Công Giáo Về Mục Vụ Cư Dân và Viện Huấn Luyện Mục Vụ Giáo Xứ Và Xã Hội tại Notre Dame.
Khi tôi cảm thấy công tác của tôi tại Notre Dame đã hoàn tất, tôi đến trình diện Hội Đồng Nhân Sự Linh Mục trong tổng giáo phận và cho họ biết tôi sẽ trở về Chicago. Họ dường như vui mừng quá đỗi và bảo tôi chờ đến khi vị tân tổng giám mục nhậm chức.
Tôi đã biết Hồng Y Bernadin 20 năm trước khi ngài về Chicago. Ngài trân trọng đặt tôi làm Giám Đốc Văn Phòng Liên Lạc Đại Kết Và Nhân Bản trong tổng giáo phận, một chức vụ tôi làm trong 4 năm.
Khi vừa 70 tuổi, tôi thuyên chuyển về Đại Học DePaul và vẫn còn đang sung sướng phục vụ tại đây.
Tất cả những ân phước này đã đến với tôi, vì tôi đã vâng phục các bề trên của mình.
Dầu rằng tôi còn có những khuyết điểm khác, song tôi nghĩ tôi có thể thành thật nói rằng thân phụ tôi đã dạy dỗ tôi nên người, và tôi đã chưa bao giờ bất tuân một yêu cầu hay lệnh truyền của bất cứ một bề trên nào trong suốt 55 năm linh mục. Và tất cả những thứ đó đã được bù đắp lại trong những công việc rất xây dựng và một đời linh mục thật hạnh phúc.
***
Lời cam kết rất quan trọng trong cuộc đời linh mục, cũng như trong hôn nhân. Nhưng việc cam kết làm linh mục trọn đời là một đề tài thật lý thú và rộng mở. Toàn bộ truyền thống đời linh mục trước đây căn cứ trên giả luận rằng đàn ông chỉ sống được đến khoảng 50 tuổi thôi. Thế mà giờ tôi đã 79 tuổi. Chức linh mục có nên là vĩnh viễn không? Tôi đã có đọc một vài tranh luận về việc chấp nhận cái ý tưởng làm linh mục tạm thời. Thực sự điều ấy đang xảy ra qua việc hồi tục của giáo sĩ. Dầu vậy, xã hội vẫn đặt giá trị rất cao về lời cam kết vĩnh viễn của linh mục và các cặp hôn phối. Tôi nghĩ rằng đây là một khía cạnh cần được nghiên cứu, thảo luận và cầu nguyện nếu chúng ta muốn giải quyết vấn đề thiếu hụt linh mục. Tôi cảm thấy buồn trước sự kiện nhiều giáo phận đang hoạch định để những xứ đạo không có linh mục, trong khi tất cả nền thần học của chúng ta nhấn mạnh đến Thánh Thể là trung tâm của đời sống thiêng liêng. Liệu chúng ta có khiến giáo dân phải chịu thiếu vắng Thánh Thể chỉ vì vấn đề kỷ luật? Đó là một việc hệ trọng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Nếu không, Bắc Mỹ chẳng bao lâu nữa sẽ phải đối diện với cùng một tình trạng như đang diễn ra tại Nam Mỹ.
Tôi không có câu trả lời cho vấn đề thiếu sút ơn gọi, song có một Vị có được câu trả lời, và Vị ấy là Chúa Thánh Linh. Và nếu chúng ta cố gắng hết sức, vào thời điểm tốt Chúa Thánh Linh cùng với các linh mục của Giáo Hội sẽ canh tân Giáo Hội như đã từng xảy ra vào mỗi thời điểm đen tối trong lịch sử.
Tôi đến từ một thế hệ khi mà lời cam kết giữa chủ với nhân viên và nhân viên với công ty được coi là rất quan trọng. Thân phụ tôi thường khoe rằng người đã làm việc 49 năm cho Công Ty Xe Hơi Chicago. Sự trung thành với công ty được đặt ưu tiên cao. Điều ấy bây giờ đã thay đổi. Một người thợ có thể trải qua 3 đến 4 lần đổi việc trong đời mình. Cam kết với một người chủ hãng thôi không còn nữa. Với tất cả những chuyện giảm bớt nhân công đang xảy ra, ngay cả chủ nhân cũng không giữ được lời cam kết. Và ngay cả những người đang lo cưới hỏi cũng thường ngần ngại với cái ý tưởng phải cam kết trọn đời. Một lần kia có một bạn trẻ nói với tôi: “Hôn nhân là một chuyện... nhưng còn chuyện cam kết thì sao?” Dù lời cam kết có quan trọng đối với xã hội hay không, thì tôi cũng đã có lời khấn trọn đời với sứ vụ linh mục và tôi có ý giữ nó đến cùng.
***
Tôi cũng bị một vài lần khủng hoảng trong đời. Một lần cơn khủng hoảng đến vào giữa lúc tôi đang làm công việc tổ chức hội đoàn. Lúc ấy tôi ở trong tình trạng hoang mang, không biết đời mình sẽ đi về hướng nào trong tương lai. Rồi tôi thấy băn khoăn về ơn gọi của mình. Tôi đang làm việc với các cặp thanh niên thanh nữ cưới hỏi nhau thật hạnh phúc. Cuộc sống của họ xem ra hấp dẫn quá, thế là tôi đi gặp cha Charlie Curran (vị tâm lý gia, chứ không phải nhà thần học). Ngài là một vị cố vấn không đặt ra chỉ thị, theo học trường phái Carl Rogers. Tôi trú ngụ tại nhà của ngài 10 ngày ở Columbus theo sự hướng dẫn của ngài. Ngài giúp tôi phân loại ra những vấn đề đang làm khổ tôi. Khi 10 ngày qua đi, tôi cảm thấy hoàn toàn rũ sạch. Thật là một kinh nghiệm đáng kể, một mốc xoay trong đời tôi. Khi tôi nhìn lại, tôi coi đời sống độc thân như một phúc lành cho mình. Điều đó không có nghĩa là tôi đề nghị lối sống này cho hết mọi linh mục. Đó là một quà tặng mà Giáo Hội cần phải trân quý, và luôn luôn cần có hàng giáo sĩ độc thân. Song điều đó không dành cho tất cả.
Kể từ thời gian cha Charlie cố vấn cho tôi, ngài và tôi trở thành rất gần gũi. Tôi đã xin cho ngài được dạy tại Đại Học Loyola. Tôi cũng tổ chức một chương trình hằng tuần về các lớp cố vấn do cha Curran dạy cho các linh mục trong tổng giáo phận. Đã có đến hơn 200 linh mục tham dự. Cha Curran cũng thành lập một trung tâm huấn luyện cho các cố vấn tại Đồi Sinsinawa của các nữ tu Đa-Minh gần Dubuque, tiểu bang Iowa.
Một ngày kia thư ký của cha Charlie gọi báo tin cha sắp từ trần. Thế là tôi ngưng hết mọi việc, bay về Dubuque và lái xe lên Đồi. Ngài bị chứng vàng da, đau đớn lắm, và hiển nhiên là đang ra đi rất nhanh. Chúng tôi ngồi ôn lại những chuyện về một đời sinh hoạt bên nhau. Ngài cám ơn tôi về tất cả những gì tôi đã làm cho ngài, và tôi cũng vậy. Chúng tôi cầu nguyện với nhau và chúc lành cho nhau. Tôi bảo: “Charles à, mình sẽ không còn được nhìn thấy cậu nữa, có điều gì cậu muốn mình thực hiện, có điều gì cậu muốn mình ghi nhớ không?” Ngài nhìn tôi và nói: “Này Jack, cậu là dân Ái-Nhĩ-Lan, và thỉnh thoảng cậu sẽ có cảm tưởng là đời cậu chưa hoạt động đủ. Nhưng đừng bao giờ quên những điều tốt mà cậu đã làm được.” Đấy là những lời cuối cùng ngài nói với tôi. Ba ngày sau ngài qua đời. Ngài đã giúp tôi điều mà không một nhà cố vấn hay bác sĩ tâm thần nào có thể làm được. Đã có một lúc ngài giúp tôi tìm lại đời mình, và vào cuối đời ngài, ngài lại đổi mới tôi một lần nữa.
***
Đời linh mục của tôi phải nói là vô cùng hạnh phúc. Điều duy nhất khiến tôi thất vọng thật sự là việc tôi thiếu sót về mặt thiêng liêng. Tôi mong muốn là một người thánh thiện hơn, song dường như không đủ can đảm và tài khéo để mang lại những thay đổi mà tôi cần phải làm ở chặng đời này. Dầu sao tôi vẫn cố gắng thử.
Để quân bình lại phần khiếm khuyết đó, tôi đã cảm nghiệm được niềm vui khôn tả vì có rất nhiều cơ hội giúp đỡ những người cần an ủi và hy vọng. Làm việc với các tổ chức cộng đồng và với các nhóm lao động và dân sự cũng là một niềm vui, khi giúp cuộc sống của dân nghèo trong cộng đồng được cải tiến. Đôi khi tôi nhìn lại việc mình làm và tự hỏi liệu có bõ công không, bởi vì có những lúc mọi chuyện xem ra tệ hơn là khi tôi bắt tay vào giúp họ. Một lần kia tôi tâm sự điều nghĩ ngợi này với Đức ông William Quinn. Ngài bảo: “Này Jack, đừng quên rằng cậu là người đã chịu ra mặt. Cậu cho Giáo Hội được có cơ hội hiện diện nơi mà mọi chuyện đang xảy ra. Giả như cậu đã không đến, thì Giáo Hội có lẽ cũng đã không còn hiện diện.” Tôi đoán là từ ngữ “chỉ cần ra mặt” đã được sử dụng lâu rồi. Tôi không rõ ai nói câu ấy trước; có thể là Saul Alinsky. Có lẽ do Woody Allen. Có khi là Mai-sen cũng không chừng.
Bước dần vào tuổi bát tuần, tôi thường ngẫm nghĩ về câu hỏi: “Phải chăng tôi đã làm được điều khác biệt bởi vì tôi đã chịu ra mặt?” Câu hỏi ấy do người nào khác trả lời có lẽ hay hơn. Tuy nhiên, tôi thực sự cảm thấy đời mình đáng sống và tôi đã làm được điều khác biệt trong phần đất nhỏ bé này của thế giới. Tôi đã làm được điều khác biệt trong những cộng đoàn người thiểu số mà tôi đã giúp họ tổ chức, và trong công việc liên tôn với người Do-Thái và Tin Lành. Tôi nghĩ rằng công việc tôi làm trong phong trào Tiền-Cana và Cana đã tạo được sự khác biệt trong hàng ngàn gia đình Ki-tô hữu. Tôi biết rằng tôi đã tạo được sự khác biệt trong đời sống của những người tham gia công tác của Ủy Ban Công Giáo Về Mục Vụ Cư Dân tại Đại Học Notre Dame, cũng như Viện Huấn Luyện Mục Vụ Giáo Xứ Và Xã Hội cũng tại Notre Dame, qua đó tôi đã huấn luyện cả một thế hệ linh mục, nữ tu, và giáo dân theo những giáo huấn của Giáo Hội về mặt xã hội. Tôi đã tạo được sự khác biệt với các linh mục trong tổng giáo phận khi tôi giúp họ thành lập Hiệp Hội Các Linh Mục Chicago. Tôi đã tạo được sự khác biệt trong cuộc sống của dân chúng tại giáo xứ Dâng Con nơi mà Hồng y Cody đã sai tôi đến như thể đi lưu đầy.
Xin kể một thí dụ nhỏ về một người tôi đã giúp trong giáo xứ đó: Hai mươi lăm năm trước, tôi có nói chuyện với một thiếu niên Mỹ da đen trên sân bóng rổ phía bên kia nhà xứ Dâng Con. Tôi khích lệ em gắng hoàn tất chương trình trung học và nên người hữu dụng. Năm 1980, lúc tôi sắp phải giải phẫu tim lần thứ nhất, một người đàn ông rất bảnh bao bước vào phòng và đứng cạnh giường tôi. Anh ta giới thiệu tên và nhắc tôi nhớ lại ngày hôm ấy trên sân bóng rổ. Anh ta cho biết đã đọc thấy trên báo về việc tôi sắp phải giải phẫu, và muốn đến thăm để cảm ơn tôi vì anh ta được nên người như bây giờ. Anh kể: “Con đã học xong trung học nhờ sự khuyến khích của cha, và cả đại học nữa. Sau đó con trở thành một kiến trúc sư, và bây giờ đang làm cho một hãng kiến trúc nổi tiếng nhất ở Chicago.” Một kinh nghiệm đó cũng đủ trả lời câu hỏi về việc tạo được sự khác biệt trong cuộc đời người khác.
***
Tôi phải nói rằng hạnh phúc đối với một linh mục trong việc phục vụ người khác thật tuyệt đối không gì sánh được trong bất kỳ mục vụ nào khác. Chỉ cần hình dung những cơ hội khi linh mục rửa tội một em bé, giúp một kẻ liệt sắp qua đời, chủ lễ một đám tang, và trên hết khi đọc lời nguyện thánh hiến phép Thánh Thể. Nếu chỉ vì muốn cảm nghiệm những niềm vui đó thôi thì cũng chưa đủ lý do để tìm cách được chịu chức. Khi tôi là một linh mục trẻ, người ta quý trọng chỉ vì mình là linh mục. Ngày nay họ kính trọng linh mục vì ngài là người thế nào và vì điều ngài làm, vì năng lực làm việc, sự nhiệt thành, lòng quảng đại, tình yêu thương, hiền hậu và biết chạnh lòng thương. Dầu thánh để truyền chức vẫn là điều quan trọng, song chưa phải là đủ.
Tôi khuyến khích các bạn trẻ hãy nghĩ đến ơn gọi làm linh mục. Tôi cho họ biết đây là ơn gọi tuyệt diệu nhất trên thế giới vì lý do sau đây: không có ơn gọi nào khác đòi hỏi và lại sử dụng tất cả mọi tài năng và quà tặng mà một người có thể đem vào trong ơn gọi của mình. Tôi chẳng phải là một học sinh giỏi, và tôi nghĩ rằng việc cha tôi cản trở không cho tôi vào chủng viện đã khiến tôi làm việc chăm chỉ hơn nữa để tiếp tục ngay cả khi các điểm của tôi thật kém. Sự siêng năng làm việc và ở lại trong chức vụ linh mục đã cho phép tôi được “ra mặt” khi một ai đó cần đến tôi.
Ngày nay người ta cần linh mục biết chừng nào. Nếu ngài làm việc có năng lực và biết quan tâm, người ta sẽ tuốn đến ngài để xin cứu giúp.°