Trang Chính   |   Tĩnh Niệm   |   Thánh Ca    |   Tình Ca   |    Sách Hay    |    Nối Kết    |    Liên Lạc

Trang Chính Tĩnh Niệm Thánh Ca Sách Hay Nối Kết Liên Lạc

Ghi Chú của Người Dịch


    Đầu thập niên 2000, chúng tôi nhận được từ các thân hữu ở Việt Nam một bản dịch Việt ngữ của 10 câu chuyện về cuộc đời của 10 trong số 34 vị linh mục được in trong cuốn sách Extraordinary Lives tại Hoa-Kỳ, lúc ấy được dịch là “Những Cuộc Đời Ngoại Hạng.” Tài liệu không ghi tên dịch giả, như 8 bài được đăng trên trang web www.SongDucTin.de.[1]

Riêng trang web www.VietCatholic.net[2]  chỉ đăng 3 bài: Phần mở đầu, câu chuyện của linh mục Thomas Anglim và câu chuyện của linh mục Richard Moyer trong đó ghi là Gioan từ Việt Nam dịch.

Vào thời điểm năm 2001, khi mà các vụ kiện về những linh mục liên quan đến hành vi xách nhiễu tình dục bùng nổ ở Hoa-Kỳ, tập tài liệu “Những Cuộc Đời Ngoại Hạng” trên quả là những chứng từ hùng hồn để nói lên sự thánh thiện và tận tụy với sứ vụ của đại đa số linh mục Công Giáo, mà con số các linh mục dây dưa vào những chuyện lem nhem chỉ là những con sâu rất nhỏ. Nhận thấy tính cách hộ giáo đặc biệt của những bản dịch này, Việt Linh đã bắt đầu lần lượt cho đăng trên nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân từ số 23 xuất bản tháng 9/2003 trong đề mục hằng tháng Linh Mục, Người Là Ai?

Sau khi khởi đăng được ba câu chuyện đầu tiên, vì không thấy phía thân hữu ở Việt Nam gửi tiếp các bản dịch, chúng tôi đã đặt mua ấn bản nguyên ngữ tiếng Anh Extraordinary Lives để tiếp tục công việc dịch thuật một tài liệu quý báu vào đúng thời điểm mà Giáo Hội cần nhất. Song cũng nhờ có nguyên bản trên tay, chúng tôi có cơ hội rà soát lại những đoạn văn rất tối nghĩa trong bản dịch từ Việt Nam. Điều này đưa đến nhiều sững sờ: 1) ngoài một vài câu bị thiếu hẳn; 2) có những câu khác đã được chuyển nghĩa một cách quá phóng đạt, khiến không lột tả được hết ý nghĩa thâm thúy của mạch văn; 3) và tệ hại nhất là nhiều đoạn văn khi chuyển sang tiếng Việt lại hoàn toàn trái ngược với ý của tác giả, bởi lẽ không nắm được các cụm từ của những thành ngữ (idioms) dùng trong văn chương Anh-Mỹ.

Trước hết chúng tôi phải cảm ơn dịch giả “Gioan” hay một nhóm thân hữu nào đó đã nhiệt thành bỏ ra nhiều công sức khởi đầu việc dịch thuật một cuốn sách quý và cần thiết cho thời đại. Thứ đến, xin thứ lỗi khi chúng tôi phải nêu lên những đoạn văn tiêu biểu, vì tính cách nghiêm trọng của những đoạn văn đó, hầu những ai đã từng đọc bản dịch từ Việt Nam –dù đọc trên mạng hay qua nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân– có thể đọc lại và tìm thấy ý nghĩa mới trong những câu chuyện được kể. Đồng thời đó cũng là cách trả lại cho những linh mục kể chuyện sự công bằng cần thiết. Những đoạn văn đối chiếu này được ghi trong phần Phụ Lục, trang 428: Những Khác Biệt Quan Trọng Giữa Bản Văn Đã Dịch Tại Việt Nam Và Hoa-Kỳ.

Sau đây là một vài nguyên tắc được chọn khi phiên dịch và trình bầy bản dịch “Những Cuộc Sống Phi Thường” này:

1) Trong nguyên bản Anh ngữ, hai tác giả không in chữ nghiêng cho những mẩu đối thoại. Chúng tôi chọn in chữ nghiêng cho những đoạn văn đó để bản văn thêm phần linh động.

 2) Tất cả những trích đoạn in đậm trong khung cũng do chúng tôi chọn ra từ bài kể chuyện, hầu làm nổi bật những ý tưởng then chốt của người thuật chuyện.

3) Những câu Kinh Thánh trích đoạn được dịch sang Việt ngữ với bản văn của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, ấn bản trên mạng.[3]

4) Tất cả những ghi chú cuối trang đều là phần thêm vào của người dịch để độc giả tiện đối chiếu, hầu hết đều sưu tầm từ mạng Anh ngữ www.wikipedia.org và tóm lược tiếng Việt.

5) Theo thói quen cung kính với bậc trên của người Việt Nam, người ta thường hay viết Chữ Hoa cho các danh xưng như Đức Giáo Hoàng, Đức Giám Mục, Hồng Y, Tổng Giám Mục hay Đức Tổng... Thói quen ấy không hẳn là tốt hay xấu trong nền văn hóa Việt. Người có lòng cung kính sẽ khó chịu, cho là xếch mé, khi thấy người khác viết “giám mục” vừa viết chữ thường lại vừa thiếu chữ “đức” đi trước. Trong bản dịch này, người dịch muốn hoàn toàn tôn trọng nguyên bản. Chữ “Bishop” được dịch là “Giám Mục” và chữ “bishop” được dịch là “giám mục.” Tương tự, “Pope” được dịch là “Giáo Hoàng” và “pope” được dịch là “giáo hoàng;” “Cardinal” được dịch là “Hồng Y” và “cardinal” được dịch là “hồng y”… Và trong nhiều trường hợp, chúng tôi chọn không dùng chữ “Đức” hay “đức” đi trước các danh xưng giáo hoàng, giám mục, tổng giám mục hay hồng y, để người ngoài Công Giáo khi đọc không cảm thấy quá nặng nề; ngoại trừ trường hợp tiếng “đức ông” thì không có lựa chọn, cho đến khi có người đề xướng một từ ngữ mới.

Đây là ấn bản Việt ngữ đầu tiên, nếu có gì sai sót, xin quý độc giả và các chư huynh lượng tình tha thứ. Và xin tận tình góp ý để lần tái bản sẽ tốt đẹp hơn.

Người dịch trân trọng tri ân sự đóng góp hết sức quý báu của các Chư Huynh sau đây: Cựu nghị sĩ Trần Tấn Toan –đã dành rất nhiều thời giờ hiệu đính qua việc đối chiếu ấn bản Anh ngữ và bản dịch Việt ngữ; Giáo sư Nguyễn Đức Tuyên –hiệu đính chính tả và thuật ngữ; Bác sĩ Trần Việt Cường –viết lời giới thiệu tác phẩm ấn bản Việt ngữ; Quý Chư Huynh viết lời bình sau khi đọc bản thảo: Cô Chú Nguyễn Văn Nhuệ & Thu-Nhi, Đạo Binh Hồn Nhỏ; linh mục Tống Đình Quý, I.C.M.[4], chánh xứ Ninh Loan, Đức Trọng; linh mục Trần Đình Thụy, giám học Đại chủng viện Thánh Quý, Cần Thơ; bạn Lê Văn Phán, cựu chủng sinh Long Xuyên, Sài-gòn; mục sư Đặng Ngọc Báu, giáo hạt trưởng East District California-Pacific Annual Conference hội thánh Giám Lý; và nhà văn Quyên Di, giáo sư Ngôn Ngữ và Văn Hóa Việt Nam đại học UCLA.

Chúng tôi xin cống hiến bản dịch này, với niềm xác tín mạnh mẽ rằng Chúa Thánh Linh sẽ hoàn tất công việc của Ngài trên tất cả các bạn đọc, hầu những mẩu chuyện của những con người phi thường này góp phần xây dựng và đổi mới Giáo Hội cũng như thế giới theo Thánh Ý Thiên Chúa.°

Phạm Đình Đài

HongTranPhamDinhDai@gmail.com

California

[1] http://songductin.de/Noi%20Dung/KhuVuonVanHoa/Chuyen%20Doi%20Song/ChuyenDoiSong.htm

[2] http://vietcatholic.net/News/Query.htm?keywords=nhung%20cuoc%20doi%20ngoai%20hang

[3] www.chungnhanduckito.net.

[4] I.C.M. – viết tắt của chữ Incarnatio-Consecratio-Missio, Tu Hội Nhập Thể Tận Hiến Truyền Giáo, gọi tắt là Tận Hiến, do linh mục Micae Maria Nguyễn Khắc Tước, hiệu là Việt Anh (1924-1993) sáng lập năm 1949 tại Việt Nam trước khi thụ phong linh mục. Ngày 02.02.2000, Hiến Pháp Tu Hội Tận Hiến Nam được giáo quyền Đàlạt phê chuẩn theo giáo luật. Kể từ đó Tu Hội Tận Hiến chính thức được mang danh là Tu Đoàn Đời Sống Tông Đồ.


Trở lại Mục Lục