Trang Chính   |   Tĩnh Niệm   |   Thánh Ca    |   Tình Ca   |    Sách Hay    |    Nối Kết    |    Liên Lạc

Trang Chính Tĩnh Niệm Thánh Ca Sách Hay Nối Kết Liên Lạc

Linh mục John F. Carney

Trở lại Mục Lục

Cha John Carney sinh ngày 25 tháng 6 năm 1946 tại thành phố Nữu-Ước. Sau khi học trường Công Giáo suốt từ tiểu học đến đại học, tất cả đều ở New York, ngài đã trải qua 20 năm thành công trong quân đội Hoa-Kỳ. Sau khi giải ngũ, ngài đã học làm linh mục và được truyền chức năm 1991 cho Tổng Giáo Phận Santa Fe. Lúc được phỏng vấn cho tập sách “Những Cuộc Sống Phi Thường” này, cha Carney đang là cha sở giáo xứ Holy Child ở Tijeras, ngay phía đông của Albuquerque, đồng thời cũng là giám đốc ơn gọi của tổng giáo phận.

Ngoại diện trẻ trung của cha Carney khiến người ta không biết về một sự kiện là ngài đã hoàn tất một nghề nghiệp rồi. Ngài là một con người năng động, cảm thấy phấn khởi về sự hồi phục mà tổng giáo phận đã làm được từ khi bị mang tai tiếng, và đặc biệt là về sự gia tăng kỳ diệu các ơn gọi tại địa phương trong mấy năm vừa qua. Những thay đổi đột ngột đầy chấn động của những năm 80 và đầu thập niên 90 liên quan đến việc giáo sĩ sách nhiễu trẻ em và lạm dụng tình dục nói chung đã tìm được tụ điểm chấn động mạnh trong Tổng Giáo Phận Santa Fe, với 150 vụ kiện các linh mục. Cha Carney thuật lại câu chuyện một cách cởi mở và thành thực. Tổng Giám Mục Michael Sheehan của Santa Fe ghi thêm vào một số chi tiết nữa.

Chúng ta không thể nào hiểu được làm sao một người đàn ông đã được đào luyện trong binh nghiệp lại đi nhận cái công tác là giám đốc ơn gọi trong khi giáo phận đang bị cuốn trôi đi vì những cáo buộc về hành vi không nói ra được. Ở đây ta tìm thấy một chiều kích của chức linh mục hiếm thấy và cũng hy vọng là hiếm khi cần đến.


Cha mẹ tôi, vốn sinh trưởng ở Ái-Nhĩ-Lan, đến Mỹ cuối thập niên 1920. Họ gặp nhau và làm đám cưới tại Thành Phố Nữu-Ước. Mẹ tôi giờ đã 85 tuổi và vẫn còn linh hoạt lắm. Bà dành các cuối tuần đến Tijeras ở với tôi, và người ta quý mến bà. Có một người mẹ sống trong giáo xứ làm cho giáo dân gặp cha sở dễ dàng hơn, tôi nghĩ vậy. Và các giáo dân đều rất tử tế, một phần là vì bà. Họ mang đến đủ thứ bánh trái sau các Thánh Lễ cuối tuần. Một Chúa Nhật nọ mẹ tôi bảo: “Chắc là con đã làm cho người ta giận vì bài giảng của con.” Tôi hỏi tại sao. Mẹ nói: “Bởi vì sáng nay họ không mang đến cho con được lấy nhiều hơn hai hộp bánh.”

Tôi là một học sinh khá ở trung học, nhưng lên đại học thì dở lắm, bởi chí thú quá nhiều về tiệc tùng, bia và phụ nữ trẻ, mặc dầu tôi đã xoay sở để vượt qua được và ra trường năm 1967. Tôi đã bắt đầu học mấy môn chuẩn bị cho y khoa, nhưng thấy là nó đòi quá nhiều bài vở, nên tôi ghi danh vào mấy lớp khoa học chính trị, vì ở đấy, với ba tấc lưỡi lém lỉnh của tôi, tôi có thể luồn lách theo cách của mình qua các kỳ thi khảo.

Quân Đoàn Huấn Luyện Sĩ Quan Trừ Bị là một chương trình bị đòi hỏi phải học, và tôi thấy yêu thích nó liền. Lúc bấy giờ các lực lượng vũ trang đang tham chiến tại Việt-Nam, và tôi mong đến ngày được phục vụ trong quân ngũ tại đó. Ngày ra trường, tôi lãnh quân hàm Thiếu Úy, Sĩ Quan Bộ Binh trong quân đội chính quy, và rồi đã dành 20 năm kế tiếp trong quân vụ. Tôi đã đến một số các quân trường: bộ binh, biệt kích, nhẩy dù và những trường khác nữa. Sau đó tôi qua Việt-Nam một năm làm trung đội trưởng trong một đơn vị tác chiến không vận. Từ năm 1969 đến 1971 tôi làm Sĩ Quan Hành Quân, Đại Đội Trưởng, và trong nhiều chức vụ khác tại Đức trước khi trở lại Việt-Nam. Trong đợt nghĩa vụ lần thứ hai đó, tôi là cố vấn cho Quân Lực Việt-Nam Cộng Hoà. Khi phần đất phía bắc của Nam Việt rơi vào tay Cộng Sản ngày 30 tháng 5 năm 1972, tôi lại được điều qua bên Đức lần nữa. Sau đó tôi được bổ nhiệm vào chức vụ tuyển mộ tại University of Southern Colorado, rồi đến thụ huấn trong Trường Chỉ Huy và Tham Mưu tại Fort Leavenworth, tiểu bang Kansas, là trường đào tạo sĩ quan tương lai cho cấp tiểu đoàn và lữ đoàn. Tôi ra trường ở đó năm 1980 và làm việc tại Ngũ Giác Đài cho Cơ Quan Tình Báo Quốc Phòng, cùng với Cơ Quan Tình Báo CIA, cung cấp tin tức cho Phòng Chiến Tranh (Trung Tâm Chỉ Huy Quân Sự Quốc Gia). Tôi có nhiệm vụ báo cáo cho các viên chức trong chính phủ, thỉnh thoảng cho cả Casper Weinberger, là Tổng Thư Ký Bộ Quốc Phòng lúc bấy giờ. Sau hơn ba năm, khi ấy đã thăng Trung Tá, tôi được bổ nhiệm làm sĩ quan hành chính cho một lữ đoàn ở Triều Tiên. Trong hai năm trước khi giải ngũ vào năm 1987, tôi làm cố vấn cho một Lữ Đoàn Phòng Vệ Quốc Gia ở Decatur, tiểu bang Illinois.

Mặc dầu tôi đã đi học trường Công Giáo cho đến đại học, đức tin của tôi vẫn không phải là trọng tâm trong đời sống. Tôi thuộc một hạng người có thể gọi được là thứ Công Giáo lười. Trong quân ngũ, tôi có ghi là Công Giáo Rô-ma trên tấm thẻ bài, và luôn luôn đi xưng tội rước lễ trước một trận hỏa chiến khi biết rằng tôi có thể tử trận –vừa đủ để có thêm một chút bảo hiểm. Song Thiên Chúa lúc ấy không quan trọng gì lắm đối với tôi. Các hứng thú của tôi lúc bấy giờ là tiệc tùng, các bạn gái, xe cộ, tiền bạc và sự thành công về quân sự. Khi tôi khoảng 30 tuổi, cuối cùng tôi nhận ra rằng cuộc sống là cái gì đó còn hơn cả những thứ ấy, vì thế tôi lại bắt đầu đến nhà thờ. Tôi trở nên tích cực trong các xứ đạo nơi tôi sống và làm công việc tình nguyện cho các chương trình giáo xứ. Ban đêm khi tôi trở về trại sau một ngày giúp người, tôi cảm thấy khoan khoái lắm. Lúc ấy tôi chưa nhận ra, nhưng Chúa đã đang dùng tôi làm máng chuyển ân sủng của Ngài. Chúa hơi tuỳ tiện trong việc ban phát ân sủng Ngài, thành thử nó vương vãi tung tóe khắp nơi. Mỗi người đều nhận được chút ít, kể cả cái máng chuyển nữa. Chẳng bao lâu sau tôi tự nhủ: “Mình không ngại làm công việc này suốt cả đời, nhưng làm cách nào đây? Hay là trở thành một linh mục chăng?”

Tôi đã luôn luôn đặt các linh mục lên bệ cao. Tôi ý thức tình trạng tội lỗi của mình, và chẳng bao giờ nghĩ đến việc trở thành một linh mục. Tôi đã nghĩ rằng bạn phải là thực sự thánh thiện mới làm linh mục được. Hình ảnh đó cứ như vậy cho đến khi tôi gặp mấy linh mục trong quân đội. Họ không phải là những người xấu đâu, chỉ là người thôi mà. Họ là những người cũng có tội trong một vài khía cạnh nào đó, song họ là những linh mục tốt và vui tươi trong sứ vụ linh mục. Bởi thế, hóa ra những người mẫu của tôi về sứ vụ linh mục không phải là những vị thánh. Họ là những người bình thường vẫn có lỗi lầm, nhưng họ yêu mến Thiên Chúa và yêu thích làm linh mục. Tôi nhìn vào họ và nói: “Được thôi, bởi vì bạn không cần phải là hoàn hảo để làm linh mục, có lẽ Chúa sẽ đón nhận tôi.” Chúa đã nhận, và tôi dâng lời cảm tạ mỗi ngày vì ơn được truyền chức linh mục.

***

Tôi thích thú với việc phục vụ trong quân ngũ, nhưng còn thèm muốn một thứ gì đó cho cuộc đời hơn là quân đội. Sứ vụ linh mục đã nằm trong trí óc tôi từ lâu, nhưng là một cái gì thứ yếu xa xôi so với các nghề nghiệp khác. Song bây giờ, cái ý tưởng đó đang trở nên thu hút hơn. Chị tôi và cha mẹ tôi đã di chuyển về New Mexico và yêu thích tiểu bang đó. Thật là một vùng trời tuyệt đẹp khiến tôi cũng muốn đến đó ở, vì thế, tôi làm đơn xin nhập Tổng Giáo Phận Santa Fe, và được chấp thuận.

Tổng Giáo Phận Santa Fe đã gặp nhiều rắc rối kinh khủng trong mấy năm vừa qua. Nếu bạn hỏi Đức Thánh Cha xem nơi đâu có vấn đề lớn nhất trong thế giới Công Giáo, nếu không bàn đến chiến tranh –có thể là Croatia– nhưng nói về sự điếm nhục, có lẽ ngài sẽ trả lời với một chút nhấn mạnh rằng: “Đó là Santa Fe.” Hàng tá linh mục đã sách nhiễu trẻ em và dây dưa vào những lem nhem khác. Chúng tôi vừa mới giải quyết xong hơn 130 vụ kiện, và còn nhiều vụ nữa đang được phơi bầy. Tuy nhiên hiện nay chúng tôi đã nắm được đằng chuôi. Chúng tôi đang có chiều hướng thăng tiến. Chúng tôi có đến 91 giáo xứ trong Tổng Giáo Phận, và tương đối chỉ còn ít linh mục khoẻ mạnh để phục vụ các xứ đạo đó. Hơn nữa, trong ba năm qua, chúng tôi đã mất đi hơn 30 linh mục. Khoảng 20 người trong số họ đã phải rời nhiệm sở và không còn có thể thi hành nhiệm vụ linh mục được nữa. Một số khác đã hồi tục vì họ không thích những thay đổi do vị tổng giám mục mới đặt ra, đặc biệt là yêu cầu của ngài rằng ai nấy phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Bởi thế, đây là thời gian thê thảm. Trong vòng gần một năm, bất kỳ hàng tít lớn nào trên báo chí ở Santa Fe đều nói về các vụ xì-căng-đan ấy.

***

Lần đầu tiên khi nghĩ đến chức linh mục, tôi thường nhắm mắt lại và mường tượng ra New Mexico, mảnh đất Thần Tiên, và thường mơ đến chuyện rửa tội cho trẻ thơ, chôn xác người chết, và ăn loại ớt hiểm mà người ta mang đến. Tôi sẽ chơi gôn, câu cá, và thưởng thức một cuộc sống dễ dãi. Dầu sao tôi cũng đang về hưu sau khi đã phục vụ trong quân đội. Nhưng Chúa có kế hoạch cho tôi mà tôi không biết. Giả như lúc ấy mà tôi biết được như bây giờ, có thể tôi đã không trở thành linh mục. Tuy nhiên, nói thế thì mắc cở chết. Tôi mừng là vì đã không biết trước các điều ấy. Tôi sẽ ghét những thứ gì cầm chân không cho tôi làm linh mục. Chúa mớm đồ ăn cho người ta bằng muỗng trước, sau đó thì thả bom cái rầm.

Bài sai đầu tiên của tôi là làm phó xứ tại xứ thánh Tô-ma Aquina ở Rio Rancho. Hai linh mục chúng tôi săn sóc 4.000 gia đình. Một năm sau, tôi được bổ nhiệm về xứ Holy Child ở Tijeras –làm cha xứ chỉ sau một năm làm linh mục! Thế rồi một năm sau nữa, toà tổng giám mục yêu cầu tôi nhận thêm nhiệm vụ làm Giám Đốc Ơn Gọi.

Xứ Holy Child lớn hơn người ta thấy. Chúng tôi có đến tám nhà thờ trong vùng này. Một linh mục và một thầy phó tế vĩnh viễn chăm sóc cho tất cả các nhà thờ ấy. Tôi ước ao có được một hai linh mục trẻ phụ một tay với giáo xứ, không phải để bớt gánh nặng cho tôi, nhưng là để làm việc với nhóm người cần sự lưu tâm của linh mục nhất: đó là các thanh thiếu niên. Khu vực này rộng khoảng 28 dặm từ bắc chí nam, và 12 dặm từ đông sang tây. Một số ngôi nhà thờ đã được xây từ nhiều năm trước, không có xứ nào ở đây trong vùng đồi núi cho đến năm 1962, và vì thế mỗi một cộng đoàn nhỏ người Tây-Ban-Nha tự xây giáo đường cho mình. Trước đây đã lâu, có một linh mục đến đó mỗi năm một lần vào ngày lễ bổn mạng. Ngài rửa tội các trẻ nhỏ, làm phép cưới, và làm phép các ngôi mộ trong nghĩa trang. Ngày nay, chúng tôi có năm đến sáu lễ dịp cuối tuần, rải rác khắp tám địa điểm này. Có nơi có lễ hàng tuần, có nơi chỉ có lễ mỗi tháng. Một họ lẻ nọ chỉ có lễ trong ngày lễ bổn mạng thôi. Thật ra, có vẻ khó khăn hơn thế. Mỗi ngôi nhà thờ là một hạt kim cương nhỏ; mỗi họ lẻ có một chánh trương được bổ nhiệm, đây là người chăm lo cho họ đạo, họ làm nhiệm vụ thật tuyệt vời. Khi linh mục không có ở đấy để dâng thánh lễ, người giáo dân tự đi viếng chặng đường thánh giá.

***

Tổng Giám Mục Michael Sheehan, đã từng là giám mục giáo phận Lubbock ở tiểu bang Texas, được bổ nhiệm về Santa Fe ba năm trước đây. Khi ngài ủy nhiệm tôi làm giám đốc ơn gọi, chúng tôi chỉ có năm chủng sinh trong toàn bộ chương trình. Hai người trong số họ bị yêu cầu rời chủng viện trong một thời gian ngắn. Xin nhớ đây là năm 1993, trước khi các vụ lem nhem bị đưa ra trước công chúng. Bởi vậy, chuyện khan hiếm –chỉ có ba chủng sinh tồn tại– không phải là vì những vụ xì-căng-đan. Đó là một điểm quan trọng cần lưu ý.

Chỉ ba năm sau, chúng tôi có 23 chủng sinh, 19 người trong số họ học thần học hay dự bị thần học, bốn người học đại học. Như thế, vào cùng thời điểm mà những câu chuyện tai tiếng bùng nổ, chúng tôi đã có sự tăng triển đáng kể trong ơn gọi, hoàn toàn trái ngược với điều bạn nghĩ. Tại sao thế? Xin thưa một đôi lý do. Trước hết, thành thực mà nói, các linh mục của chúng ta đã không hề cổ võ ơn gọi. Vị giám đốc ơn gọi tiền nhiệm của tôi đã rời bỏ hàng ngũ linh mục. Ngài là một linh mục không cảm thấy hạnh phúc. Ngài thú nhận mình không quý trọng chức linh mục dù rằng bổn phận của ngài là cổ võ ơn gọi. Đúng là một chủ trương để mà thất bại. Thật ra chúng ta đã xua đuổi ơn gọi. Lý do thứ hai cho sự tăng triển: đó là trong thời buổi nhiễu nhương, những người nam và nữ tốt lành mới nổi lên. Sự kiện rõ ràng là những người xin gia nhập vào tổng giáo phận của chúng tôi ngày nay đều thực sự bị lôi cuốn bởi chính những xáo trộn đó. Như những thủy thủ, họ thẩm định rằng chúng ta cần “một số ít linh mục tốt lành.” Một số chủng sinh cho biết một trong những lý do khiến họ đến đây là vì họ muốn tiếp tay chấn chỉnh lại những gì đang đổ vỡ.

Giám đốc Chủng Viện Mount Angel là một linh mục tuyệt vời đã làm bao nhiêu chuyện kỳ lạ. Khi tôi bắt đầu công tác giám đốc ơn gọi, tôi nói với ngài chúng ta sẽ có 35 chủng sinh trong vòng năm năm. Ngài cười tôi: “Này, cha John, đừng làm trò cười chứ! Đừng đặt ra mục tiêu mà cha không cách nào đạt tới được.” Về sau hóa ra tôi nhầm thật. Chúng tôi sẽ không có 35 người, mà đúng hơn sẽ có đến 40 hay ngay cả 50 lận.

Một niềm vui lớn lao tôi có được là thấy những thanh niên nhiệt thành trong chủng viện. Hai người trong số họ là bác sĩ, hai người nữa là luật sư. Chúng tôi có một bác sĩ 37 tuổi đã dành khá nhiều thời giờ cứu giúp những người nghèo. Một ngày kia anh ta thức giấc và tự nhủ: “Tại sao mình lại không làm linh mục, khi ấy mình có thể làm công việc này toàn thời gian?” Anh ta vẫn giữ bằng hành nghề. Anh ta sẽ có thể xức dầu thánh, cho vài viên thuốc trụ sinh, và rồi xé hoá đơn đi. Một trong hai luật sư sắp thừa hưởng thương vụ hình luật của thân phụ anh ở miền đông. Nhưng anh ta đã không nhận. Anh ta đang kề cận một cơ hội làm giàu, nhưng đó không phải là điều anh ta muốn cho đời mình. Luật sư thứ hai, trước đây là luật sư cấp quận, đã 40 tuổi rồi, nay đang học ở Rô-ma và cho tôi biết rằng: trong đời anh chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc như thế. Anh ta đang thăng hoa. Có một chủng sinh 48 tuổi từ giáo xứ này. Ngày nay một người học thần học lúc 28 tuổi được kể là hươu non đấy.

Tôi thách đố từng bạn trẻ đến nộp đơn xin làm chủng sinh. Tôi kể qua cho anh ta biết những vấn đề chúng tôi đang phải đối đầu. Rồi một khi tôi quyết định là mình đang có được một thỉnh sinh tuyệt hảo, thì tôi thử anh ta. Hy vọng là anh ta không chấp nhận, tôi đề nghị anh ta đến một giáo phận khác có ít vấn đề hơn. Mỗi khi tôi dùng chiêu bài đó, người ứng viên liền chống lại ý tưởng này. Và tôi bảo: “Bạn có hơi khùng không đấy, ai lại đi học cho giáo phận Santa Fe chứ?” Tôi thích cái phong cách mà người bạn trẻ gân cổ cãi lại tôi: “Thưa cha, đó mới chính là lý do tại sao con muốn làm linh mục nơi đây. Con muốn để cho Chúa sử dụng con. Con muốn được dự phần vào việc giải quyết vấn đề. Con muốn tiếp tay chấn chỉnh lại những đổ vỡ, và con tin là mình có thể làm được.”

Một số các thỉnh sinh của chúng tôi hiện đang học luật, y khoa hay nha khoa và đang ở bên bờ vực, song sự quyến rũ của việc làm ra nhiều tiền quả là sức thu hút mạnh đối với họ. Chúa đang thử thách họ, nhưng chúng tôi cũng đang cạnh tranh với các giá trị trần thế: tiền bạc, quyền hành, tiện nghi. Điểm then chốt cho họ suy xét là Tin Mừng sẽ an ủi người đau khổ. Chức linh mục mang lại niềm vui và sự an bình cho tâm hồn mà tôi không hề tìm thấy nơi nào khác, ngay cả khi tôi dấn thân tích cực với Giáo Hội trong cuộc sống đời thường. Điểm nóng nhất để quảng cáo về sứ vụ linh mục là một linh mục hạnh phúc. Không ai lại đi gia nhập vào một tổ chức thê thảm cả.

Một hai năm trước đây, các giám đốc ơn gọi tu sĩ ở Hoa-Kỳ có tổ chức một hội nghị toàn quốc tại Albuquerque. Tổng giám mục Sheehan được mời dâng lời nguyện khai mạc, và tôi cũng tham dự với ngài. Hầu hết những người tham dự đều là giám đốc ơn gọi cho dòng tu của họ. Bởi vì địa điểm của chúng tôi, nên hình thái tổ chức mang tính cách văn hóa miền Tây. Không có ai đeo cổ côn trắng cả, thành thử người ta nhìn tôi cách khôi hài vì thấy đeo cổ trắng. Đàn ông thì đội mũ cao bồi và đi giày ủng. Đàn bà mặc thời trang kiểu Annie Oakley và đi giày ủng cao. Thuyết trình viên chủ chốt là một nữ tu, xét theo những gì bà viết đã được xuất bản, thì bà không ưa gì các linh mục. Tôi tự nhủ: “Đây là những người đến họp để tìm cách thẩm định các căn nguyên của việc thiếu ơn gọi ư? Cứ nhìn họ xem, chính họ đang làm nhụt ơn gọi.” Và thế là tôi bỏ về. Về sau có một người đàn ông hỏi tôi tại sao không ở lại. Anh ta bảo: “Sơ ấy đã hiệu triệu một bài thật tuyệt vời!”

Tôi trả lời: “Phải rồi, và tôi đánh cá là bà ấy đã xé tan xác giáo hoàng ra.”

Anh ta đáp lại: “Cha đoán đúng đấy. Sơ ấy không thể chịu nổi ngài, mà ai chịu nổi đây chứ?”

Câu trả lời của tôi đại khái như sau:

Không lạ gì chúng ta đang gặp vấn đề. Mấy người không tin vào việc mình đang làm. Và nếu mấy người không tin vào nó, thì mấy người sẽ chẳng bao giờ rao bán được cho ai khác hết. Bạn có thể tưởng tượng một người tuyển mộ lính lại đi ghét quân đội? Bạn có thể hình dung ra cảnh tượng mình đến một trạm tuyển mộ mà người ngồi đằng sau bàn giấy nói rằng: “Anh muốn nhập bọn với chúng tôi à? Chắc anh đang đùa đấy. Đội quân này tệ khủng khiếp. Chúng tôi không thể nào chịu nổi viên đại tướng. Hắn là người bần tiện. Cả quân đội đều hỏng hết.” Không lạ gì chẳng có lấy người nào ghi danh làm linh mục cả.

***

Mọi chuyện đang bắt đầu sáng sủa hơn trong giáo phận. Chúng tôi đã đi được một số bước cụ thể. Chúng tôi có một hội đồng duyệt xét với một đường giây điện thoại miễn phí. Bất cứ ai có điều gì khiếu nại đều được yêu cầu dùng đường giây đó gấp. Chúng tôi thuê bốn chuyên viên thẩm tra để làm công việc nghiên cứu và tìm cho ra các nạn nhân còn chưa được báo cáo, và tìm cách giúp đỡ họ. Chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm với họ. Tổng giáo phận đã có nguy cơ phải khai phá sản, nhưng vấn đề đó đang được giải quyết.

Khi gặp thời buổi khó khăn, những chuyện tốt lại xảy ra. Giáo Hội này bây giờ đang quỳ gối. Chúng ta làm được nhiều việc tốt nhất khi chúng ta biết quỳ gối xuống. Khi Giáo Hội kiêu kỳ và cao ngạo, là lúc chúng ta không làm theo điều Chúa Giê-su đã làm: Ngài bước đi trên đời bằng hai đầu gối. Mọi chuyện đã và đang thay đổi tận gốc rễ chỉ trong ba năm, và tôi cũng cảm thấy lạc quan. Chúng tôi đang trông chờ có 30 chủng sinh vào tháng Tám. Chúng tôi vừa thực hiện xong một khóa tìm hiểu cuối tuần, có 18 người nam tham dự. Hầu hết họ đang ở lứa tuổi 20, 30 và 40. Chúng tôi đang thấy các ơn gọi già hơn, những người mà một cách nào đấy phản ảnh câu chuyện của chính tôi. Họ đã khởi sự theo một hướng đi và rồi nhận ra có cái gì đó còn thiếu vắng. Giờ đây họ muốn cống hiến cuộc đời còn lại cho Giáo Hội.

***

Khi tôi rời quân ngũ để vào chủng viện, lúc ấy tôi đang ngồi trên chóp của thế giới. Tôi đã từng yêu quý những sĩ quan mà tôi cùng phục vụ với họ, và tôi nghĩ: bây giờ thì tôi đang gia nhập một quân đoàn tinh nhuệ của các linh mục. Hẳn sẽ còn tốt hơn nhiều. Nó đã không xảy ra kiểu đó. Niềm vui lớn lao nhất của tôi vẫn là được biết Chúa Giê-su, biết Ngài thâm sâu hơn trước khi tôi được truyền chức rất nhiều. Tôi đã gặp Ngài trong nhiều cách thế khác nhau qua dân Ngài. Tôi gặp Ngài khi tôi xức dầu thánh cho người sắp chết, và thấy được sức mạnh đức tin mà họ có khi đối diện với vĩnh cửu. Đức tin của tôi đã thoát ra khỏi đầu và đang thấm vào trong trái tim. Mỗi ngày tôi đều thấy những phép lạ của sức mạnh Thiên Chúa thi thố trên nhân loại. Đó là niềm vui của tôi, được gặp Đức Ki-tô Phục Sinh qua dân Người, nhất là qua những người cùng khốn.

Các linh mục chúng ta có một ảnh hưởng lớn lao trên dân chúng, và chính là vì chúng ta hành động trong bản thể Đức Ki-tô. Người ta sẽ kể cho linh mục điều gì đang làm họ bối rối, những chi tiết kín mật nhất của đời họ. Điều ấy thật giống như lột bỏ hết khí giới. Thật khó mà tin được người đàn ông này hay đàn bà nọ lại đang nói cho tôi nghe những điều tuyệt đối cẩn mật mà họ chưa hề bao giờ thổ lộ cho một con người nào khác.

***

Tôi đã làm được gì khác biệt cho thế giới? Câu trả lời là một tiếng “có” không tự hào. Tôi đã từng có mặt đó với những người hấp hối, nghe họ xưng tội, và đem lại cho họ sự bình an khi tôi phó dâng linh hồn họ trong tay Thiên Chúa. Dầu tôi bất xứng, tôi biết rằng có những người hôm nay đang ở trên thiên đàng vì tôi đã trả lời “vâng” với sứ vụ này. Thỉnh thoảng tôi nói với những người đang tìm hiểu ơn gọi làm linh mục:

“Cứ dành đủ thời giờ để quyết định, nhưng xin hãy quyết định, bởi vì có những con người ở đây đang chờ chết mà không có lấy một linh mục, có những người đang đói khát Bánh Hằng Sống. Mỗi ngày mà chúng ta không có lấy một linh mục cho những con người này, một số linh hồn sẽ hư mất. Các bác sĩ thì làm được điều khác biệt khi họ cứu mạng sống tạm bợ. Chúng ta cứu vớt cuộc sống vĩnh cửu. Không phải vì chúng ta xứng đáng làm điều ấy, song là Chúa làm việc qua chúng ta.”

Tôi cũng đã có những lúc gặp khó khăn trong đời linh mục, nhất là khi tôi chứng kiến những thảm kịch giữa những người dân của tôi mà chỉ có thể làm được đến ngần ấy cho họ. Tôi mới cử hành lễ an táng cho một phụ nữ 37 tuổi chết trong một tai nạn xe cộ, để lại ba đứa con nhỏ. Tôi ước chi mình có thể gỡ rối được chút gì và hàn gắn tất cả lại. Tôi ước sao có thể gọi La-za-rô đó ra khỏi mộ như Chúa Giê-su đã làm. Mỗi khi có niềm vui nào sâu đậm trong sứ vụ, thời tôi cũng sẽ gặp thấy nỗi phiền não tột cùng. Làm như hai thứ ấy luôn đi sóng đôi.

Theo phán đoán của tôi, linh mục chẳng những phải cam kết toàn diện mà còn cam kết vĩnh viễn. Ngạc nhiên thay, sống cuộc đời cam kết lại là một lối thoát dễ dàng. Nếu bạn yêu thích một thứ gì song lại không cam kết với nó, thì mỗi sáng thức giấc bạn lại phải mất công nặn nghĩ cho ra cả vũ trụ. Bạn luôn luôn nhìn vào cái rốn của mình, thành thử cứ phải thường xuyên xem xét nội tâm. Tôi là một người đơn giản. Tôi thích quân đội và đã cam kết với nó đến 20 năm. Tôi đã từng yêu thích làm một người lính. Giờ đây tôi đang cam kết với một thứ vĩ đại hơn bội phần. Ngay cả muốn so sánh hai thứ đó cũng không được. Bởi vậy, tôi cho rằng cam kết với một điều gì bằng cả linh hồn, tâm trí và con tim, và hết sức mình thì chính là giải phóng mình. Nó giải thoát bạn khỏi phải điên đầu tìm lại ý nghĩa cuộc sống mỗi giờ mỗi ngày.

Độc thân là một quà tặng đối với tôi, một món quà mà đến lượt tôi có thể trao tặng lại cho người giáo dân của mình. Không có người nào được truyền chức mà lại không có cơ hội để suy xét điều ấy cho kỹ lưỡng. Chúng tôi phải đối diện với nó mỗi tuần trong suốt bốn năm ở chủng viện. Nó là đề tài mặc nhiên của mỗi lần gặp gỡ trong buổi linh hướng. Nếu bạn thấy không kham nổi, thì cánh cửa lúc nào cũng rộng mở. Tôi đã nhận được vô số những hướng dẫn về cuộc sống độc thân còn hơn là 80 giờ huấn luyện trong Trường Nhảy Dù trước khi họ đạp tôi ra khỏi máy bay. Những ai lập gia đình không có được nhiều sự huấn luyện như vậy. Dĩ nhiên, độc thân chỉ là vấn đề thuộc kỷ luật, không phải là tín điều, nhưng tôi thực tình hy vọng là trong tương lai ít nhất chúng ta tiếp tục duy trì nó như là một lựa chọn tùy ý. Một số người nói rằng vì tất cả những vụ lem nhem tình dục, các linh mục nên lập gia đình. Điều đó không có nghĩa lý gì cả. Hầu hết những người lạm dụng trẻ nít đều là những người đã lập gia đình. Ở Mỹ có nhiều vụ loạn luân còn hơn là lạm dụng trẻ nít. Bởi thế, nếu chúng ta có những giáo sĩ lập gia đình, chúng ta lại sẽ có những vấn đề khác phải đối phó. Những ai móc nối vấn đề độc thân với những vụ tồi tệ này cần phải được đối chất.

***

Tôi chưa hề gặp vấn đề thứ thiệt nào với hệ thống quyền bính. Có lẽ là nhờ những năm tôi sống trong quân ngũ. Tôi rất cảm thông với những vị được phong chức giám mục và rồi lạm dụng quyền bính. Ngay cả vị tổng giám mục trước đây của chúng tôi, người dường như từng có vấn đề với chuyện lãnh đạo, lại là người tôi yêu mến. Phải có ai đó cầm đầu chứ. Chúa Giê-su biết rõ bản chất con người, và vì vậy Ngài đã đặt một người để làm đầu mọi chuyện. Thoạt tiên Ngài có 72 người, rồi 12, và rồi còn lại một. Ngài chấp nhận hệ thống quyền bính. Tôi đã làm việc với hai giám mục và thấy các ngài là những người trọng lý lẽ. Hai vị giám mục mà tôi từng làm việc với đều không cưỡng bức hay hà khắc, chẳng bao giờ hồ đồ hay bốc đồng. Các ngài là những người chân thành và cần mẫn. Các linh mục có vấn đề với quyền bính có thể là vì họ có các giám mục khác với giám mục của tôi.

***

Những vấn đề lớn của Giáo Hội dường như không đáng bận tậm lắm trên cánh đồng ở đây, nơi còn khối việc phải làm. Dẫu vậy, tôi biết là còn có nhiều vấn đề phức tạp, và tôi không phải là người giải quyết chúng. Tôi chuyển giao cho các giám mục và các thần học gia. Tạ ơn Chúa tôi không phải là giáo hoàng hay giám mục. Tôi chỉ là một linh mục đơn giản, cho nên những vấn đề nan giải của Giáo Hội không làm tôi phải thức giấc giữa đêm khuya.

Những điều tốt đẹp trong Giáo Hội đang diễn ra phía trước. Chúng ta sẽ thấy chức linh mục tăng triển về số lượng, đào tạo vững chắc cũng như phẩm chất tốt. Thay đổi ngày nay diễn ra nhanh chóng hơn trước kia. Nhưng nếu chúng ta có được sự tăng triển về ơn gọi, thì tôi hy vọng là chúng ta sẽ chẳng bao giờ lùi lại cái thời mà các linh mục phải lo ôm giữ sổ sách, vẽ vạch sân bóng chày, hay phải trông chừng những buổi khiêu vũ cho đám choai choai. Khi nói chuyện với các chủng sinh, tôi bảo họ: “Nếu có lúc nào đó bạn cảm thấy gánh nặng chồng chất, hãy xem lại những gì đang làm, và tự hỏi mình: ‘Tôi có cần phải được truyền chức để làm công việc này không?’ Nếu câu trả lời là không, thì hãy trao cho người nào đó để họ làm.”

Mỗi giáo xứ đều có đầy những người có tài sẵn sàng và sẵn lòng tiếp tay, bởi thế chúng ta không bao giờ phải lo sợ sẽ bị cạn kiệt. Chúng ta không bị cạn kiệt vì làm việc quá mức, song cạn kiệt vì thiếu công việc lành mạnh, vì thiếu cầu nguyện, vì thiếu một cuộc sống quân bình, và vì thiếu giải lao để tái tạo. Tôi chưa hề thấy một linh mục nào sống đời cầu nguyện mà bị cạn kiệt cả.

Có một điều giúp cho các chương trình của chúng tôi là sự thành công đem lại sự thành công. Chúng tôi tổ chức một buổi nướng thịt ở nhà của tổng giám mục vào tháng Tám. Khi các chủng sinh đến, họ thấy một nhóm đàn ông khỏe mạnh, hạnh phúc và vui nhộn. Đàn ông thường diễn tả sự quý mến nhau bằng cách chuyện vãn ồn ào. Khi các chủng sinh thấy người ta làm như thế, không thô lỗ, nhưng với nụ cười, họ đang thấy được đàn ông cư xử cho ra đàn ông. Những người giờ đây đang học cho tổng giáo phận trông giống những người đàn ông Mỹ có đủ các vết bầm, vết dập và mụn nhọt mà mọi đàn ông đều có.

Người ta hoan nghênh những biện pháp tích cực mà vị tổng giám mục đã thực hiện. Họ thấy rằng chúng tôi đã có lầm lỗi, song đang thành thực cố gắng chấn chỉnh lại trong một phương cách để chúng sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Những người gia nhập chủng viện của chúng tôi không cần phải sợ rằng hình ảnh của linh mục đã bị quá hoen ố đến nỗi thiên hạ sẽ coi khinh họ. Tôi đeo cổ côn trắng ở bất kỳ nơi nào tôi đến, và không có ai nhìn tôi soi mói cả. Người ta buồn lòng, giận dữ và thất vọng vì những gì đã xảy ra, song họ đã không bỏ Giáo Hội. Thực ra, người giáo dân đã đối xử dễ dãi với linh mục hơn là linh mục đối xử với giáo dân. Tôi chưa bao giờ được người ta đón nhận như bây giờ. Dĩ nhiên, chúng ta phải làm việc để được đón nhận như thế. Một lần kia khi tôi đang chuẩn bị lễ nửa đêm lúc còn là chủng sinh, một linh mục trong phòng áo cứ phàn nàn về chuyện ngài làm việc quá vất vả ra sao, thế mà không ai yêu thích ngài cả. Cứ khoảng mỗi năm phút lại có người đến cửa mang quà cáp hay một tấm ngân phiếu. Ngài cảm ơn họ rồi phàn nàn tiếp. Vị linh mục ấy là một trong các vấn nạn của chúng ta. Người ta muốn yêu mến linh mục, và sẽ yêu mến nếu họ được linh mục tạo cho lấy nửa cơ hội thôi. Bao lâu chúng ta cư xử với người ta bằng sự kính trọng, thì họ sẽ tin cậy chúng ta. Thật hơi dễ sợ khi thấy người ta yêu quý và đón nhận linh mục của họ như thế.°

Đọc Sách NCSPT