Copyright © 2016 by Hưng-Ca

Trang Chính   |   Tĩnh Niệm   |   Thánh Ca    |   Tình Ca   |    Sách Hay    |    Nối Kết    |    Liên Lạc

Trang Chính
Tĩnh Niệm
Thánh Ca
Sách Hay
Nối Kết
Liên Lạc

Nghịch Cảnh Thành Ngợi Ca

Tác giả: Merlin R. Carothers

Chuyển Ngữ: Thiên Ca

Ấn bản Anh ngữ: Prison to Praise

Đã ghé qua

“Anh em hãy vui mừng luôn mãi, và cầu nguyện không ngừng.
Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy,
đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su.”

I Thes-sa-lô-ni-ca 5:16-18

 

1. Người Tù

2. Được Tự Do

3. Tìm Kiếm

4. Được Đầy Tràn

5. Quyền Năng Của Ngài
    Ở Trong Bạn

6. Việt Nam

7. Hãy Vui Mừng!

8. Hãy Ca Ngợi Ngài!

Lời Kết

 

Chương 1

Người Tù

 

Có một cái gì lành lạnh của kim loại chạm vào cổ tay trái tôi, và một giọng nói đanh thép vang bên tai: “Cảnh Sát Điều Tra Liên Bang đây. Có lệnh bắt anh.”

Lúc ấy tôi đang ngồi thư giãn ở băng sau xe, cánh tay trái buông thõng ngoài thành cửa sổ. Chiếc xe này do tôi đánh cắp, và tôi đang trốn Quân Đội đi nghỉ mà không xin phép.

Việc đi nghỉ không xin phép chả có gì để mà phiền hà. Chính việc bị bắt mới đụng chạm đến niềm tự hãnh của tôi. Lúc nào tôi cũng coi mình là dư sức làm điều mình muốn và luồn lách dễ dàng. Thế mà giờ đây tôi lại phải chịu cảnh nhục nhã trong xà lim, đứng xếp hàng lãnh phần thức ăn nguội ngắt thấy mà ớn, rồi trở về xà lim cô quạnh với cái giường cứng ngắc, chả có gì để làm ngoại trừ dán mắt vào bốn bức tường. Làm sao tôi lại có thể ngu xuẩn đến độ để rơi vào cái mớ rắc rối như thế này nhỉ?

Khi Mẹ đi tái giá, tôi đến sống với mấy người bạn cũ của Ba. Tôi lên trung học, song không bao giờ bỏ làm cả. Tôi làm việc sau giờ học suốt mùa hè. Hết đóng hộp thức ăn lại làm đốc công hãng tàu chở hàng, hay thợ in, thậm chí có một mùa hè tôi còn đi đốn gỗ ở tiểu bang Pennsylvania nữa.

Rồi tôi bắt đầu vào đại học, nhưng vì cạn tiền nên tôi vẫn phải đi làm. Lần này tôi xin được một việc ở công ty Thép B & W, làm thợ tiện kiêm thợ mài. Tuy không phải là một công việc thú vị, nhưng nhờ đó tôi rất khỏe mạnh. Muốn dẫn đầu trong cuộc đua ở trường đời cần phải giữ mình trong tình trạng thể chất tốt nhất, mà tôi thì không có ý định thua cuộc trong bất cứ vòng đua nào.  

Chẳng bao giờ tôi muốn gia nhập Quân Đội cả. Tôi muốn ra khơi với Tàu Hàng Hải. Tôi không thể nghĩ ra cách nào tuyệt vời hơn để được tham gia vào chiến cuộc trong Đệ Nhị Thế Chiến.

Muốn gia nhập Đội Hàng Hải, tôi phải được xếp loại lại thành 1-A với ban tuyển mộ trước đó đã cho phép tôi được hoãn dịch để vào đại học. Quân Đội lại tuyển tôi nhập ngũ trước khi tôi có thể trở lại với Đội Hàng Hải. Số là họ bảo tôi có thể tình nguyện xung vào Hải Quân. Tôi đã làm thế, nhưng một biến cố kỳ quặc đã ngăn cản tôi. Tôi bị rớt trong cuộc kiểm tra thị lực, đơn thuần chỉ vì tôi lỡ đọc nhầm một dòng khác trên biểu đồ! Bởi thế cho nên, dù đã cố gắng hết sức, tôi vẫn bị đẩy vào cuộc tập huấn cơ bản tại Fort McClellan, tiểu bang Alabama.

Tôi chán muốn chết được. Cuộc tập huấn chỉ như một làn gió nhẹ, nhưng vì muốn tìm sự kích động, tôi xung phong vào cuộc huấn luyện nhảy dù ở Fort Benning, tiểu bang Georgia.

Vốn có máu nổi loạn, nên vấn đề lớn nhất của tôi luôn luôn là chuyện đụng độ với thượng cấp. Dường như họ trù dập tôi, mặc dù tôi đã cố hết sức ẩn mình trong bóng tối. Một lần kia, trong buổi tập thể dục tại một cái hố mùn cưa, tôi đã khạc nhổ xuống đất mà không suy nghĩ. Viên trung sĩ thấy thế liền nhảy vù xuống như một đám mây bão tố. Anh ta hét lên: “Lấy miệng lượm lên, rồi mang nó ra khỏi chỗ này!”  

“Chắc là ông giỡn đấy chứ,” tôi nghĩ vậy, song bộ mặt đỏ bừng với cái nhìn trừng trừng của anh ta cho thấy anh ta không giỡn chút nào. Thế là, vừa nhục nhã vừa cẩn thận che giấu niềm oán hận đang sôi sục, tôi ngoạm đống khạc nhổ đó lên với một miệng đầy mùn cưa, và mang nó “ra khỏi chỗ ấy.”

Tuy nhiên sự đền bù đã đến khi chúng tôi được nhảy dù ra khỏi máy bay lần đầu tiên. Thế mới là sống chứ! Đấy mới là thứ kích động mà bấy lâu tôi hằng khao khát. Vượt lên trên tiếng gầm rú của động cơ máy bay là tiếng hét ra lệnh: “Sẵn sàng… đứng lên… móc vào… đứng ở cửa… NHẢY!”

Luồng không khí khiến bạn cảm thấy mình giống như một chiếc lá trong cơn gió mạnh, và rồi khi sợi dây đính vào chiếc dù của bạn tuột ra đến khúc cuối là một cú giựt mạnh làm rung chuyển xương cốt. Bạn cảm thấy như thể bị chiếc xe tải mười tấn tông vào vậy.  

Nhưng khi đầu óc bạn tỉnh táo lại, bạn thấy mình ở trong một thế giới đẹp đẽ tĩnh mịch với chiếc dù lồng lộng trên đầu như một vòm lụa trắng khổng lồ.

Tôi là một người lính nhảy dù, và đã được vinh dự mang dấu hiệu đôi giày nhảy dù lóng lánh.

Dẫu vậy, tôi vẫn muốn sự kích động mạnh hơn nữa, nên đã xung phong vào đợt tập huấn cao cấp đào luyện chuyên viên đặt chất nổ. Tôi muốn nhập cuộc khi chiến tranh đang leo thang, và tôi nghĩ rằng cuộc chiến càng nóng bỏng càng hay.

Sau khi mãn khóa trường đặt chất nổ, tôi quay về Fort Benning chờ lệnh ra khơi. Tôi đứng gác ở trại giam, làm lính bếp tạp nhạp, và rồi chờ thêm nữa. Kiên nhẫn không phải là điểm mạnh của tôi. Theo dõi tốc độ Quân Đội hành quân, tôi hình dung có lẽ mình sẽ bỏ lỡ hết cuộc vui mất, cứ kỳ cọ nồi niêu xoong chảo cho đến khi chiến tranh kết thúc.

Tôi sẽ không chịu ngồi quanh quẩn một cách vô dụng, cho nên tôi quyết định vượt qua bên kia đồi với một người bạn.

Một hôm chúng tôi bước ra khỏi doanh trại, đánh cắp một chiếc xe hơi và hướng về bất cứ nơi nào. Trong trường hợp có người đi lùng, chúng tôi bỏ chiếc xe thứ nhất rồi lấy cắp một chiếc khác, và cuối cùng dừng lại ở Pittsburgh, tiểu bang Pennsylvania. Đến đó chúng tôi hết sạch tiền tiêu và quyết định đi ăn cướp.

Tôi mang theo súng và bạn tôi thì ngồi chờ trong xe. Chúng tôi chọn một cửa hàng trông có vẻ dễ làm ăn. Kế hoạch của tôi là giật đứt giây điện thoại để họ không thể gọi cảnh sát được. Lúc vào bên trong cửa hàng, tôi giật giây điện thoại mạnh hết sức, nhưng nó không nhúc nhích. Tôi nổi cáu lên. Khẩu súng nằm sẵn trong túi, két tiền thì đầy ắp, mà đường giây gọi cảnh sát vẫn còn đó. Tôi không dại gì mời tai họa đến.

Vì vậy tôi trở ra xe kể lại cho bạn tôi biết, và khi chúng tôi mới vừa ngồi xuống đó, đang ăn táo và trò chuyện với nhau ở băng sau xe, thì cánh tay dài ngoằng của pháp luật cuối cùng đã bắt kịp chúng tôi. Chúng tôi đâu ngờ sáu tiểu bang đã báo động về chúng tôi, và Cảnh Sát Điều Tra Liên Bang đã theo chúng tôi bén gót.

Cuộc tìm kiếm phiêu lưu của chúng tôi kết thúc trong một thất bại khá thê thảm. Tôi trở về bên trong trại giam ở Fort Benning, nơi chỉ mấy tháng trước tôi còn đứng gác. Tôi bị tuyên án sáu tháng tù giam, nên ngay lập tức bắt đầu chiến dịch xin ra hải ngoại. Đám bạn tù của tôi cười lớn và bảo: “Giả như mày muốn ra nước ngoài, hẳn đã không trốn đi nghỉ không xin phép.”

Tôi vẫn khăng khăng cãi rằng tôi trốn đi nghỉ không xin phép là vì tôi chán cái cảnh phải chờ đợi để được đưa ra nước ngoài.

Cuối cùng lời thỉnh cầu của tôi được chấp thuận. Tôi có tên trong chuyến ra nước ngoài, và “dưới sự canh gác,” tôi đến Trại Kilmer, tiểu bang New Jersey, nơi tôi bị nhốt trong trại giam để chờ chuyến tàu đi Âu Châu.

Rốt cuộc tôi sắp được đi con đường của mình. Nhưng gần như vậy thôi. Ngay buổi tối trước hôm tàu lên đường, tôi bị gọi đến văn phòng tư lệnh và được biết là tôi sẽ không được ra khơi với những người khác.

“Cảnh Sát Điều Tra Liên Bang muốn giữ anh lại, và anh phải trở về Pittsburgh, tiểu bang Pennsylvania.”

Một lần nữa tôi lại cảm nhận được chất thép lạnh của đôi còng, và dưới sự canh gác có vũ khí, tôi trở về Pittsburgh. Vị quan tòa nghiêm khắc ở đó đọc bản án rồi hỏi: “Nhận tội hay vô tội? Anh muốn bào chữa gì không?”

Mẹ tôi có mặt ở đó, và cặp mắt đẫm lệ của bà khiến tôi rúm người lại. Không phải vì tôi hối hận điều mình đã làm. Tôi chỉ muốn ra khỏi đây càng sớm càng tốt và bắt đầu một cuộc sống qua ngày.

“Thưa Ngài, tôi nhận tội.” Tôi đã bị bắt quả tang, tuy nhiên tôi quyết định trong lòng rằng đây sẽ là lần cuối cùng. Tôi sẽ học những mánh khóe khác và từ nay trở đi sẽ xúc tiến an toàn thôi.

Viên luật sư quận cặn kẽ giải thích cuộc sống quá khứ của tôi cho quan tòa, và ông quan tòa yêu cầu các sĩ quan thẩm tra cho ý kiến.

“Thưa quan tòa, chúng tôi đề nghị khoan hồng.”

“Còn anh thì muốn gì, hở anh lính?” Viên quan tòa hỏi tôi.

“Tôi muốn trở lại Quân Đội và tham gia chiến tranh.” Đấy là tất cả những gì tôi có thể nói.

“Tôi kết án anh 5 năm ở Nhà Lao Liên Bang.”

Những lời của ông ta giáng xuống tôi như một khối đá từ trên trời rớt xuống. Hiện nay tôi 19 tuổi và khi ra tù thì đã 24. Tôi thấy toàn bộ đời mình đổ xuống cống rãnh hết rồi.

“Án của anh tạm thời cho treo, và anh sẽ được trả về Quân Đội.”

Thoát nạn rồi, cám ơn Trời! Chưa đầy một giờ sau tôi được phóng thích. Nhưng trước hết tôi bị ông luật sư quận thuyết cho một trận gay gắt, và giải thích cho biết nếu tôi rời Quân Đội trước 5 năm thì tôi phải trở lại trình diện nơi văn phòng của ông.

Cuối cùng rồi cũng được tự do! Tôi lên đường trở về Fort Dix, tiểu bang New Jersey, chỉ để lãnh một khối đá khác lên đầu. Ở Fort Dix, người ta xem hồ sơ của tôi và gửi tôi về lại trại giam để thực hiện cho xong bản án 6 tháng vì tội đi nghỉ không xin phép!

Vào thời điểm này, đầu óc tôi chỉ có một ý nghĩ duy nhất. Tôi muốn tham gia chiến tranh hoặc là tiêu đời. Thế là một lần nữa tôi khởi sự chiến dịch vận động để được lên tàu ra nước ngoài. Tôi quấy rầy bộ tư lệnh riết, rốt cuộc tôi được phóng thích sau 4 tháng giam,. Chẳng bao lâu sau tôi lên đường vượt Đại Tây Dương trên boong tàu Mauretania.

Chúng tôi bị chồng chất thành 6 tầng trong khoang tàu, may mắn sao tôi lại được giường ngủ ở tầng trên cùng. Nhờ đó tôi thoát được những trận nôn mửa mà những người ngủ tầng dưới thường phải gánh chịu.

Nhưng đó không phải là điều tôi quan tâm. Lòng tôi rộn ràng vì thực hiện được con đường của mình, và không bỏ phí một chút thời gian nào cả. Tôi ra thế giới bên ngoài để đạt được sự kích động và càng nhiều lợi lộc càng tốt từ cuộc chiến này. Suốt thời gian bị giam cầm, tôi đã phát triển được một thứ tài năng mà giờ đây hết sức tiện dụng. Ấy là tôi đã trở nên rất sành sỏi về bài bạc, nên ngày cũng như đêm trong chuyến hải hành này đã được sử dụng cho nỗ lực đích đáng đó. Tôi đã tích lũy được một mớ tiền kể là khấm khá. Điều duy nhất nhắc nhở tôi về hoàn cảnh chuyến hải hành của mình là cuộc đụng độ vắn vỏi với một tàu ngầm của quân Đức lúc ấy nhắm đụng vào chúng tôi nhưng bị hụt.

Tới Anh quốc, người ta đẩy chúng tôi lên chuyến xe lửa chở đến Eo Biển Anh. Tại đây chúng tôi xuống những chiếc thuyền nhỏ ra khơi, xông vào những ngọn sóng bập bềnh của eo biển này. Trời mưa như trút nước, và khi đến phía bờ biển nước Pháp, chúng tôi phải nhảy xuống làn nước cao ngang bụng để lội vào bờ.

Vào đến bờ, chúng tôi đứng xếp hàng với quân phục ướt sũng chờ lãnh những khẩu phần nguội ngắt. Sau đó chúng tôi lại gấp rút lên tàu lửa để đi về hướng đông. Không ngừng nghỉ, chúng tôi băng qua Pháp và được chuyển sang đoàn xe vận tải đến Bỉ. Chúng tôi đến nơi vừa đúng lúc Sư Đoàn Dù 82 mở Mặt Trận Bulge.

Ngay ngày tác chiến đầu tiên, viên sĩ quan tư lệnh thấy trong hồ sơ ghi tôi là chuyên viên đặt chất nổ, ông liền cử tôi làm những quả bom nhỏ từ một đống chất nổ. Đống ấy cao đến gần một mét, thế là tôi kéo một khúc cây ngồi bắt tay vào việc. Một người lính nữa cùng làm với tôi, tôi được biết anh ta đã ở đơn vị này nhiều tháng rồi. Trong lúc anh đang kể cho tôi nghe về những kinh nghiệm của mình ở Sư Đoàn 82, tôi nhìn qua cánh đồng chỗ có tiếng nổ của trọng pháo bắn tới. Những tiếng nổ ngày càng tiến sát về vị trí của chúng tôi. Tôi vẫn liếc chừng anh lính ấy, tự hỏi không biết khi nào anh ta mới ra hiệu nhào xuống núp. Anh ta có đủ mọi kinh nghiệm, còn tôi chỉ là một tân binh thay thế; dẫu vậy tôi sẽ không tỏ ra nhút nhát.

Những tiếng nổ mỗi lúc một gần, và nỗi sợ hãi của tôi tăng lên. Nếu một trong những loạt pháo này rớt gần chỗ chúng tôi… thì đống bom này sẽ biến thành một hố bom khổng lồ.

Thế mà anh chàng kia vẫn cứ ngồi đó không mảy may để tâm đến trọng pháo. Tôi muốn nhảy xuống chỗ núp vô cùng, nhưng tôi sẽ không tỏ ra là một kẻ nhát gan. Cuối cùng, những quả đạn rớt về phía bên kia. Chúng nhắm hụt!

Hai hôm sau tôi mới khám phá ra tại sao anh lính đó lại điềm tĩnh đến thế. Số là hôm ấy hai chúng tôi cùng băng qua một khu rừng được biết là có mìn gài khắp nơi. Tôi thì cẩn thận xem xét trên đường mòn xem dấu hiệu nào cho thấy có bẫy mìn, còn anh chàng kia thì chẳng hề để tâm gì đến những nơi mà hắn bước qua. Cuối cùng tôi phải hỏi: “Tại sao anh không coi chừng có mìn hay không vậy?”

“Tôi còn mong là mình sẽ dẫm lên một trái nữa kìa,” anh ta nói. “Tôi mệt mỏi và quá chán chường cái mớ hỗn độn thối tha này rồi. Tôi muốn chết cho xong.”

Bởi thế từ hôm ấy, tôi giữ khoảng cách giữa hai chúng tôi càng xa càng tốt!

Chiến đấu ở Sư Đoàn Dù 82 cho tôi khá nhiều kích động. Tuy nhiên một số kinh nghiệm không đẹp đã gây ấn tượng thô bạo hơn nữa vào tâm trí vốn hay giận dữ của tôi.

Khi chiến tranh kết thúc, tôi cùng với Trung Đoàn Dù 508 đến Frankfurt, nước Đức, nơi tôi được tuyển làm lính gác cho Đại Tướng chỉ huy Quân Đội là Dwight D. Eisenhower. Đây là một khoảnh khắc hãnh diện trong đời tôi. Tôi, Merlin Carothers, làm lính cận vệ cho một vị đại tướng năm sao! Cuối cùng tôi cảm thấy mình bỗng trở thành “một tay có thớ trên chiến trường.”

Đáng lẽ tôi vẫn còn thích chứng kiến nhiều trận đánh nữa, song những chiến lợi phẩm do chiến tranh để lại cũng không phải là tệ lắm. Chúng tôi sống trong những dinh thự sang trọng trước đây thuộc về các sĩ quan Đức quốc xã cao cấp nhất. Những người cư ngụ trước có lẽ đã không được báo tin sớm hơn 5 phút trước khi rời khỏi, vì thế chúng tôi tìm thấy những cuốn album hình gia đình, vũ khí và ngay cả nữ trang nữa. Vì thế, ngoài giờ trực, tôi dành hết mọi thời gian truy tìm “kho tàng” này.

Thời gian trực của tôi thì lúc nào cũng vui rồi. Một buổi chiều nọ, tôi được phân công trực nơi cổng dẫn vào Doanh Trại Chỉ Huy của Tướng Eisenhower. Có một cái gì đặc biệt sắp diễn ra. Viên sĩ quan trực bảo: “Này binh nhất Carothers, đêm nay có thể sẽ tưng bừng lắm đấy. Lát nữa ta sẽ cắt đặt công việc cho chú mày.”

Một hồi lâu sau, viên Sĩ Quan Trực trở lại và nói: “Nghe đây, Carothers. Bà tư lệnh của Quân Đoàn Nữ sắp tổ chức một buổi khiêu vũ cho bọn con gái vào tuần tới, nhưng bà ấy lại không mời lính dù. Khi Tư Lệnh của chúng ta gọi điện thoại hỏi lý đó tại sao, thì bà ta bảo là không muốn thấy bất kỳ “tay giết người được trả lương hậu nào trong buổi khiêu vũ ấy.” Mà luật thì nói tất cả các nữ quân nhân được phân công phải vào bên trong cổng này không được trễ hơn 9 giờ tối. Sau 9 giờ tối, không một nữ quân nhân nào được đi qua cổng này, trừ khi ta đích thân hộ tống họ. Đừng để bất kỳ ai nạt nộ. Ta đặt chú mày ở đây vì ta biết chú mày sẽ không nhượng bộ!”

Vài phút sau 9 giờ tối, một chiếc xe jeep do một viên Trung Sĩ Quân Đội lái trờ tới cổng. Một nữ quân nhân binh nhì ngồi cạnh anh ta. Tôi nói: “Cô ấy phải xuống khỏi xe và đứng cạnh cổng đây.”

“Cô cái gì?” Cơn giận của viên Trung Sĩ bùng lên!

“Ông đã nghe tôi nói rồi đó.”

“Tại sao?”

“Không tại sao gì hết. Thưa cô, xin xuống khỏi xe ngay bây giờ và đứng cạnh tôi.”

Chưa bao giờ tôi dám nói với một trung sĩ như vậy. Giả như anh ta là một tay lính dù, hẳn tôi đã không dám đâu.

Viên Trung Sĩ xổ ra một loạt những lời chửi thề, nhưng rồi cũng phải quay xe rồi phóng đi. Anh ta dư biết rằng với tư cách một lính gác cổng được uỷ nhiệm, tôi có toàn quyền.

Từ 9 giờ đến 9 giờ 45 tối, hai mươi nữ quân nhân nữa đến. Những đêm trước họ đã vào bất cứ lúc nào họ muốn, nhưng đêm nay thì khác. Tôi đang ở giữa trận cuồng phong. Họ tức điên lên, hết sức điên luôn. Bao nhiêu là ngôn ngữ tôi phải nghe!

Lúc 10 giờ 45, một chiếc xe của bộ tham mưu do một Đại Tá lái trờ tới. Trong đời binh nghiệp, tôi chưa bao giờ được nói chuyện với một vị Đại Tá thực thụ cả. Tôi lịch sự nói cho ông ta biết lệnh truyền: “Vị nữ sĩ quan đi với ngài phải xuống xe, đứng với các cô các bà đang đứng cạnh tôi đây.”

“Tránh ra, anh Lính kia! Cô ta sẽ không ra khỏi chiếc xe này.”

“Phải, thưa Ngài, cô ấy phải xuống xe.”

“Anh Lính, tôi ra Lệnh Trực Tiếp đấy. Tránh ra chỗ khác. Chúng tôi sẽ đi qua.”

Lệnh Trực Tiếp là thứ ngôn ngữ cứng rắn nhất mà một sĩ quan có thể sử dụng để ra lệnh cho một tên lính. Nhưng ông ta đang thử dọa nạt một tên binh nhất không đúng chỗ rồi.

Với phong cách cao bồi thứ thiệt, tôi vỗ vào bao đeo khẩu côn “45 tự động,” kéo cò và nói: “Này cô, bước xuống và đứng vào chỗ mấy người kia. Đại Tá, quay xe lại ngay bây giờ và rời khỏi đây.”

Ông ta làm theo.

Lúc 11g đêm, viên sĩ quan trực đến bằng xe jeep. Ông ta mời nữ quân nhân cấp bậc thấp nhất lên xe, rồi nói tiếp: “Thưa quý bà quý cô, tôi sẽ trở lại rước tất cả quý vị từng người một.”

Ngay hôm sau, bà tư lệnh Quân Đoàn Nữ gọi điện thoại cho Tư Lệnh của chúng tôi, và mời tất cả lính dù dự buổi khiêu vũ của bà.

Tôi vẫn còn tìm kiếm cái gì kích động, và một lần kia tôi suýt nữa đạt được hơn cả điều tôi mơ ước. Lần ấy chúng tôi được chất lên máy bay để nhảy dù. Đó chỉ là một cuộc tập huấn thông thường, nhưng hôm ấy chúng tôi được biết cô diễn viên điện ảnh Marlena Dietrich sẽ đứng dưới đất xem cuộc nhảy dù. Tất cả chúng tôi đều hy vọng mình sẽ đáp xuống gần nàng.

Vừa rời khỏi phi cơ là tôi đã bắt đầu thăm dò mặt đất bên dưới xem có thể định vị trí “người phụ nữ có đôi chân đẹp” không. Bỗng dưng tôi ý thức được một điều gì đó sai trật rất kinh khủng. Xung quanh tôi trên không trung là những tiếng la hét kinh hoàng, và tiếng gầm của động cơ máy bay dường như bất ngờ nổ tung ngay trên đầu tôi.

Mấy trăm người lính dù đang lơ lửng trên không, thì một chiếc máy bay bị hỏng mất động cơ và nhào xuống ngay phía chúng tôi. Nhiều chiếc dù bị cắt phăng và người ta lao vùn vụt xuống mặt đất. Họ té ngổn ngang khắp chung quanh chỗ cô đào Dietrich đang đứng. Chiếc dù của tôi còn nguyên vẹn, và khi đáp được xuống mặt đất, thì tôi thấy có đầy những người chết nằm la liệt xung quanh, và chiếc máy bay cũng vừa bốc lửa nổ tung.

Tôi có khá nhiều thời gian rảnh rỗi khi ở Frankfurt. Quan niệm của tôi về một khoảng thời gian lý thú thường là phải đi đôi với việc uống rượu thật nhiều. Có lần tôi uống rượu quên cả trời đất, và hôm sau các bạn đồng đội kể lại cho tôi nghe những trò phá phách mà tôi đã làm ở phố xá đêm qua. Lần khác tôi nằm sóng xoài giang tay chân trên sàn của một chiếc xe điện Đức và thách thức mọi người bước qua tôi. Những người lính khác thì phá ra cười và cho là sự việc này vui nhộn vô cùng. Chẳng bao giờ tôi ý thức được rằng hành vi của mình đã không giúp ích gì cho hình ảnh của Quân Đội Chiếm Đóng Hoa-Kỳ.

Tôi khám phá ra rằng buôn bán chợ đen là nguồn thu nhập còn đáng tin cậy và nhanh hơn là chơi bài nữa. Tôi mua thuốc lá của những binh sĩ khác, cứ $10 đô-la một bao. Rồi với một va-ly đầy ắp, tôi tới khu vực buôn bán chợ đen trong phố để bán lại mỗi bao giá $100 đô-la. Khu vực buôn bán chợ đen vốn là nơi lui tới của bọn cướp, đánh lộn, và giết người, nhưng tôi không quan tâm. Bởi tôi luôn thọc một tay trong túi quần nắm chắc khẩu “45” đã nạp đạn và lên cò.

Chẳng bao lâu sau tôi có được một va-ly đầy đồng $10 đô-la bằng tiền của quân đội gọi là giấy chứng khoán tạm thời. Vấn đề duy nhất là tìm cho ra cách mang tiền về Hoa-Kỳ. Sự kiểm soát chặt chẽ giới hạn cho mỗi binh sĩ chỉ được gửi về nhà số lương do Quân Đội trả. Tôi thức trắng nhiều đêm, cố hình dung ra một cách nào đó để phá vỡ hệ thống này.

Ở bưu điện, tôi quan sát người ta xếp hàng đổi lương tháng của họ thành lệnh phiếu. Mỗi người phải có tấm thẻ tài chánh của mình kê khai chính xác số lương của anh ta. Tôi thấy một người nọ có cả một xấp thẻ tài chánh như thế, cùng với một túi tiền và một cận vệ có vũ trang. Anh ta là thư ký của một công ty và đang đổi lấy lệnh phiếu cho toàn công ty của mình. Bỗng dưng tôi chợt hiểu ra rằng tất cả những gì tôi cần là một đống thẻ tài chánh ấy!

Tôi bèn tìm đến viên thư ký tài chánh của đơn vị, và biết ngay anh ta sẵn sàng cung cấp cho tôi những tấm thẻ tài chánh với giá $5 đô-la một cái. Thế là tôi có mối rồi.

Sau đó tôi biến mình thành thư ký của một công ty tư nhân của riêng mình. Với tiền và các tấm thẻ tài chánh trong tay, tôi tới bưu điện tiến hành đổi lệnh phiếu mà không gặp chút trở ngại nào cả!

Sắp xếp được như vậy xong, giờ đây tôi đã tìm ra phương cách mới để thu thập giấy chứng khoán tạm thời của quân đội. Tôi được biết rằng những người từ Berlin đến thường đổi $1.000 đồng giấy chứng khoáng tạm thời lấy $100 đồng lệnh phiếu. Tôi hân hoan giúp họ và rồi đổi $900 đồng còn lại thành lệnh phiếu cho riêng mình. Tôi đang trên đà trở thành rất giàu có!

Thế rồi Quân Đội ra thông báo quyết định gửi một số người tới các trường đại học khắp Âu Châu. Tôi dự thi, được chọn, và được gửi tới Đại Học Bristol bên Anh quốc. Các môn tôi học lúc đó chả quan trọng là mấy, so với sự kiện chúng tôi sẽ được quây quần với các thiếu nữ nói tiếng Anh.

Dầu vậy tôi cũng đã tiến hành được một số điều mà tôi tin rằng sẽ là tương lai của mình. Tôi lấy một môn Luật Anh Quốc và một môn nữa về Luật Thương Mại. Tôi muốn biết “hệ thống luật” làm việc như thế nào để có thể đánh bại nó.

Khi khóa đại học kết thúc, tôi được thuyên chuyển trở về Đức quốc. Ở đó một tin sốt dẻo đang chờ đợi. Đã đến lúc tôi được quay về Mỹ rồi! Tôi thu xếp một va-ly đầy lệnh phiếu $100 đô-la và tiến về những bến bờ rực rỡ ở quê nhà.

Tại Fort Dix thuộc tiểu bang New Jersey, người ta cố gắng dụ tất cả chúng tôi ký tên gia nhập Quân Đội Trừ Bị. Viên trung sĩ cao giọng nói: “Những ai muốn ký tên gia nhập Đội Trừ Bị thì bước lên đây, ký tên và tôi sẽ cho giải ngũ. Nếu các anh không ký bây giờ thì sẽ phải ở lại, và nghe thuyết trình một giờ về lý do tại sao nên ký vào.”

Nán lại một giờ nữa trong Quân Đội ư? Không đời nào! Tôi nghĩ thế. Rồi tôi bước lên phía trước ký vào giấy họ đưa. Quyết định trong tích tắc đó đã ảnh hưởng đến toàn bộ đoạn đời sau này của tôi.

Thế là tôi nhận được tờ giấy mong đợi bấy lâu nay cho phép tôi giờ đây trở lại làm dân sự. Tự do rồi! Tôi không bao giờ muốn nhìn lại bên trong trại Quân Đội nữa. Tôi có đầy tiền, và cuộc đời trước mắt toàn màu hồng.

Vấn đề bây giờ là làm sao đổi cái va-ly đầy ắp lệnh phiếu thành những đồng tiền xanh mới tinh đây. Tôi không thể nào bước vào bưu điện ở tỉnh nhà, là Thành Phố Ellwood, tiểu bang Pennsylvania, và dốc hết cả đống phiếu xuống bàn đổi tiền được. Cuối cùng, tôi nghĩ ra một giải pháp. Tôi bắt đầu gửi từng lệnh phiếu một tới một bưu điện ở New York. Và chẳng bao lâu sau tiền bắt đầu trở về.

Cho đến nay những kinh nghiệm về luật pháp của tôi đã dạy tôi rằng, tốt hơn hết tôi nên bước vào một nghề nghiệp nào đó mà tôi có thể hoạt động một cách an toàn, lợi dụng từng kẽ hở có sẵn. Tôi đã từng luôn luôn mơ ước trở thành luật sư, bởi thế tôi bắt đầu những bước cần thiết để ghi danh vào trường luật ở Pittsburgh, tiểu bang Pennsylvania.•